“…Tôi thấy tự xấu hổ với mình ngày hôm qua khi vô tư nhận từ người khác mà không biết CẢM ƠN, khi có lỗi với ai đó mà không biết nói lời XIN LỖI. Tôi thấy xấu hổ khi lần đầu tiên cô giáo chủ nhiệm yêu cầu viết đơn xin vào Đoàn mà tôi không nhớ được số tuổi của bố và mẹ, không nhớ được ngày sinh nhật của đứa em gái…”
Xin gửi đến tôi – Chàng trai 15 tuổi ngày hôm qua lời chào tạm biệt thân thương nhất!
Bạn ạ! Tôi của ngày hôm nay – chàng trai 16 tuổi – đã khác lắm.
Nếu như trước đây mỗi lần đi học về tất cả quần áo đều để mẹ giặt cho thì nay tôi đã biết cái lạnh buốt tay của mẹ khi giặt một chậu quần áo to cho cả nhà giữa trời mùa đông. Không cần đến những lần gọi lên gọi xuống của mẹ giờ tôi đã tự biết sắp xếp quần áo, chăn gối sao cho gọn và hợp lý.
Con đường thân thuộc của bạn là bố hoặc mẹ đưa từ nhà đến trường rồi từ trường đến chỗ học thêm, thậm chí bạn chưa bao giờ được tự đi xe đạp đến trường vì theo mẹ “ngoài kia nguy hiểm lắm!”. Nhưng tôi của ngày hôm nay đã gặp được những người bạn trạc tuổi mình đến từ khắp các vùng miền Đất nước, thành thị có, thôn quê có. Mỗi chúng tôi là một tính cách, một đặc điểm riêng nhưng chúng tôi đã về đây, cùng sống và học tập dưới mái trường – mái nhà chung Trí Đức. Chúng tôi chia sẻ với nhau nỗi nhớ nhà khi lần đầu tiên xa gia đình lâu nhất, học nhau từ cách giặt quần áo, vệ sinh cá nhân, bố trí và sắp xếp phòng… những việc rất đơn giản mà bạn vẫn được mẹ làm cho hết hồi ở nhà. Cả lớp, mỗi đứa đến từ những miền quê khác nhau, mang theo niềm tự hào, tình yêu được chia sẻ với nhau qua mỗi câu chuyện kể. Điều mà bạn chỉ có thể thấy qua ti vi hoặc trên sách vở.
Nếu như ngày hôm qua bạn là cậu ấm của gia đình và đã có lúc bạn tưởng như thế giới này phải quay quanh mình thì tôi của ngày hôm nay nhận ra điều đó thật ngờ ngệch. Tôi cũng chỉ là một trong 30 học trò của lớp, là một trong gần 700 anh chị em trong ngôi nhà chung Trí Đức. Chúng tôi bình đẳng với nhau trước nội quy hay thưởng, phạt của Nhà trường cũng như trước sự yêu thương che chở của Thầy – Người Cha của Đại gia đình này. Giờ tôi học được cách chia sẻ căn phòng nơi KTX với 7 người anh em nữa sao cho hài hòa. Tôi cũng biết được rằng muốn nhận lại thì trước tiên mình phải cho đi và… đôi khi ta phải biết cúi đầu để nhìn thấy mình đang ở đâu.
Tôi nói bạn đừng giận nhé! Tôi thấy tự xấu hổ với mình ngày hôm qua khi vô tư nhận từ người khác mà không biết CẢM ƠN, khi có lỗi với ai đó mà không biết nói lời XIN LỖI. Tôi thấy xấu hổ khi lần đầu tiên cô giáo chủ nhiệm yêu cầu viết đơn xin vào Đoàn mà tôi không nhớ được số tuổi của bố và mẹ, không nhớ được ngày sinh nhật của đứa em gái. Bạn đã vô tư đòi hỏi được tổ chức sinh nhật thật to, được nhận thật nhiều quà từ mọi người… còn tôi giờ đã hiểu được rằng niềm vui được chia sẻ nó sẽ nhân lên gấp bội khi lần đầu tiên được đón sinh nhật tập thể trong đêm Sinh nhật truyền thống Trí Đức.
Bạn luôn nghĩ “Quà” phải là một thứ gì đó thật lớn lao. Nhưng tôi hôm nay đã hiểu quà đôi khi chỉ là một lời hỏi thăm, một nụ cười tươi hay ánh mắt thân thiện và hơn hết là kết quả học tập và rèn luyện tốt… đó chính là món quà vô giá mà tôi có thể dâng tặng cha mẹ. Tôi đã nhìn thấy niềm vui trong đôi mắt bố, sự hạnh phúc trong nụ cười của mẹ khi tôi mang về nhà tuổi 16 của tôi chững chạc hơn, biết tự lập, biết yêu thương, biết sẻ chia. Tuy tất cả mọi góc cạnh bản lĩnh chưa thật vuông vức như Thầy đã dạy, nhưng với tôi, nhất là cha mẹ tôi, điều ấy đã thật thiêng liêng lắm!
Trước đây bạn đã từng giấu nhẹm mỗi khi bị điểm kém thì tôi của ngày hôm nay biết cách chấp nhận điểm 4 để biết “ta là ai?” và “biết làm sao để khắc phục điều đó”. Tôi còn biết được chiến thắng chính bản thân mình mới là chiến thắng khó khăn nhất nhưng cũng vĩ đại nhất!
Tạm biệt nhé! Chàng trai của tuổi 15 – Tôi của ngày hôm qua. Tạm biệt những ngô nghê, vụng về và đôi khi vô tâm của ngày hôm qua. Tôi hôm nay đã 16 tuổi, đã là chàng trai Trí Đức đích thực. Tôi sẽ cố gắng học tập và rèn luyện để có được kết quả tốt nhất sau gần một năm học tập ở Trí Đức, để có được món quà ý nghĩa mang về báo công cha mẹ sau một năm học xa quê.
Cố lên tôi nhé!
H.N K26