Ngày hôm nay, tất cả chúng ta đang ở đây, tại ngôi trường Trí Đức tươi đẹp, khang trang, rợp bóng cây xanh, Đại gia đình chúng ta có thể tự tin khẳng định Trí Đức của chúng ta là:
Một trường học đẳng cấp
Một xã hội nhỏ văn minh
Một Đại gia đình đầm ấm
Chúng ta đã đi qua chặng đường Trí Đức ¼ thế kỷ. Với Trí Đức, 25 năm qua là một huyền thoại.
25 về trước, 1998 là năm học đầu tiên của ngôi trường Trí Đức với mô hình giáo dục đặc biệt, độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Năm 2018 đánh dấu bước lớn mạnh không ngừng của Trí Đức sau hai thập kỷ vươn mình. Đây cũng là thời điểm khép lại chặng đường nhiều thử thách chông gai và có khi là sóng gió nguy nan ập vào Trí Đức. Đồng thời, từ mốc thời gian 2018, tương lai đẹp đẽ huy hoàng của Trí Đức chính thức bước sang một trang mới – Thời kỳ TRÍ ĐỨC TINH HOA. Trí Đức Chất Lượng Cao – Trí Đức Tinh Hoa đã và đang tỏa sáng.
Đến năm học 2022 – 2023, Trí Đức đã bước được những bước dài trong chặng đường Trí Đức Tinh Hoa. Tất cả đang đón đợi Trí Đức ở phía trước với tương lai đầy hứa hẹn. Đây là kết quả vô cùng tốt đẹp sau 25 năm Thầy Hà Trung Hưng cùng đội ngũ giáo viên, CBNV dồn tụ tâm huyết, trí lực để dựng xây và phát triển Nhà trường. Suốt 25 năm qua, Trí Đức không một giây phút nào ngưng nghỉ phấn đấu để xứng danh với tên gọi của mình, hai chữ tôn nghiêm: Trí – Đức.
Tự hào với bề dày truyền thống Nhà trường được duy trì và phát triển suốt ¼ thế kỷ, chúng ta cùng ôn lại những chặng đường đã qua với biết bao kỷ niệm đáng nhớ. Từ buổi đầu gây dựng đến một Trí Đức của ngày hôm nay là một chặng đường dài cần được lưu giữ, mãi mãi khắc ghi để nhắc nhớ, để lớn dậy, để trưởng thành và để vươn cao bay xa hơn nữa.
Trường THPT Trí Đức được thành lập ngày 04/7/1998 theo Quyết định số 2677/QĐ-UB của UBND Thành phố Hà Nội. Từ đó tới nay (1998 – 2018), tròn 20 năm lịch sử, Trường chúng ta đã trải qua 3 giai đoạn, ở 3 địa điểm khác nhau:
Giai đoạn đầu (1998 – 2005): 7 năm – Thời kỳ lập Trường và khẳng định vị trí
Từ ngày thành lập đến hết năm học 2004 – 2005, Trường đóng tại Cụm 10 – Thị trấn Cầu Diễn trên khuôn viên 1600m2 đất thuê của 7 hộ ghép lại có hình thù méo mó kỳ dị. Đường xá đi lại vô cùng bất tiện, ngõ vào vừa nhỏ vừa ngoắt ngoéo khuất nẻo giữa cụm dân. Những khó khăn thử thách vô cùng lớn, bởi lập trường ngày xưa không giống với bây giờ.
Năm học đầu tiên 1998 – 1999, Trường có 106 HS gồm 1 lớp 6 (12 học sinh), 2 lớp 10 (82 học sinh), 1 lớp 11(12 học sinh), tất cả ngoại trú chưa có nội trú.
Theo từng năm học, số lượng học sinh cứ từ từ tăng dần.
Đến năm học thứ 7 (2004 – 2005), tổng số học sinh của Trường lên tới hơn 900. Trong số học sinh nội trú có 420 người là con em của 8 dân tộc thuộc 27 tỉnh thành từ Gia Lai, Bình Phước đến Hà Giang. Số học sinh tăng lên nhưng chất lượng đầu vào giai đoạn này vẫn rất thấp. Toàn trường chỉ có 20% hệ A còn lại là hệ B và gần 20% dưới hệ B.
Giai đoạn đầu của Trí Đức, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Ngoài 8 phòng học kiên cố, Trường không có bất cứ phòng chức năng nào, từ phòng làm việc, văn phòng, phòng thí nghiệm, thiết bị đồ dùng dạy học vv… Để cải tạo tình hình, Nhà trường đã cùng nhau lăn lộn sửa sang các căn nhà là trại nuôi gà, các nhà kho ọp ẹp cũ kỹ để làm văn phòng, nhà bếp và các phòng ở nội trú.
Nhà bếp quy mô 450 người ăn mà chỉ có một gian làm tạm gần 20m2 , lại đun nấu bằng than, lúc nào cũng chật chội, hơi nóng ngột ngạt như lò bánh mỳ thủ công. Những buổi ban đầu ấy, không thể kể hết sự thiếu thốn, gian nan …
Điều kiện sinh hoạt thì phải nói là quá đỗi khó khăn, vất vả. Phòng ở đã thấp còn bé, đã lợp bằng Bro xi măng lại không có trần và phòng cũng không cửa sổ nên lúc nào cũng nóng bức và ngột ngạt. Tính trung bình thì lúc này cứ 45 – 50 người mới có một nhà vệ sinh chung. Người đông, chỗ tắm giặt chung diện tích nhỏ hẹp nên thường xuyên có tình trạng học sinh phải chờ và nhường nhau đến 2 – 3 giờ sáng mới đến lượt tắm giặt. Nguồn nước dùng là nước giếng khoan, không qua xử lý. Nước bơm tích trữ trong các bể mà bể lại không có nắp nên thường xuyên có các “vật thể lạ” xuất hiện trong lòng bể, từ xô chậu, khăn mặt, bàn chải, đôi khi cả bánh xà phòng. Điều kiện sinh hoạt như vậy nên hầu như toàn KTX không học sinh nào tránh khỏi căn bệnh ngoài da có sức lan truyền không giới hạn. Học sinh Trí Đức lúc đó có câu truyền miệng vừa hài hước nhưng cũng rất đúng thực tế: “Không hắc lào, không ghẻ – không phát thẻ học sinh”.
Những năm tháng đầu tiên của Trí Đức, đúng là khó khăn chồng chất khó khăn. Trường chật, lớp hẹp, phòng ở thiếu… và điện thường xuyên bị mất.
Máy phát chưa có nên mất điện là mất nước. Những ngày mất điện mất nước như thế, cả KTX cứ phải chờ, chờ không được nữa, đến 10 gờ đêm, Thầy đành phải tổ chức đưa học sinh nữ đi tắm dịch vụ ở ngoài Thị trấn. Đôi lần phải về tận Đại học Sư phạm mới có nước.
Ngày nắng nóng thiếu nước đã khổ. Những khi trời mưa lại khổ kiểu khác. Mưa to, cống rãnh không kịp thoát, nước dồn tụ, toàn trường ngập úng. Mùa mưa dầm, thường xuyên thiếu ánh nắng, quần áo không khô. Đáng ngại hơn, do ẩm thấp mà sinh ra rất nhiều muỗi đồng thời cũng kéo theo bệnh tật, đặc biệt bệnh sốt. Có ngày, cả Trường có tới 50 học sinh sốt cao 38 – 400 . Thầy trò phải huy động mượn 4 – 5 xe máy liên tục đưa nhau đi viện (hồi đó Tường chưa có bộ phận Y tế). Vất vả vô cùng những ngày ấy, vì điều kiện còn hạn hẹp, hầu như không có phụ huynh chia sẻ với Nhà trường việc trông nom con em bị ốm. Vì vậy, khi có bạn ốm sốt, các bạn cùng phòng thay phiên nhau ra viện chăm bạn… Quá khứ gian lao khiến người Thầy, người Cha của Đại gia đình vẫn thường nói với các thế hệ về sau rằng: Cho đến tận bây giờ, cứ mỗi lần nhớ lại và nghĩ tới tình cảnh những ngày ấy, Thầy vẫn cảm thấy gai người ớn lạnh. Nhưng cũng chính từ trong những gian khổ đó đã vút lên nghĩa thầy trò, tình bè bạn thiêng liêng, ấm áp và cùng có cho nhau biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp.
Nghe lại câu chuyện thuở ban đầu Trí Đức, trong lòng mỗi người con Trí Đức bao giờ cũng ngập tràn xúc cảm. Có lẽ vì đó sẽ mãi mãi là những tháng ngày đặc biệt nhất, không thể nào quên.
Quả đúng như vậy. Ngày ấy, tuy khó khăn vất vả là thế nhưng Đại gia đình lúc nào cũng nhộn nhịp vui vẻ, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.
Đó là những tháng ngày, toàn KTX, phòng ở nào cũng sắp xếp học sinh thuộc cả 3 khối (lớp 10, 11 và 12). Ở cùng phòng với nhau như thế, đã có các anh chị lớp trên bảo ban các em lớp dưới. Chính vậy mà cả KTX biết nhau, chơi cùng nhau, thân thiết với nhau, rất tình cảm, luôn đoàn kết. Hằng ngày, các phòng tự dọn vệ sinh trong ngoài phòng và chuyển rác đi ba lần, tự kiểm diện ba lần rồi trực tiếp báo cáo Thầy. Mọi phong trào, mọi hoạt động của Trường, của Đoàn và của KTX, kể cả các Đại lễ, Thầy chỉ nêu ý tưởng, còn Ban tự quản tổ chức. Bao giờ cũng thế, lần nào cũng thế, toàn KTX hưởng ứng sôi nổi, đầy sáng tạo. Việc gì cũng hoành tráng, ấn tượng và đầy ắp kỷ niệm.
KTX là Đại gia đình. Mọi nếp nhà, những truyền thống đẹp đẽ của Trí Đức được hình thành ngay từ buổi đầu như thế. Nếp văn minh của con em Đại gia đình Trí Đức rất đáng quý và tự hào.
Đó là lời ăn tiếng nói. Mỗi khi khách vào Trường thì cứ mỏi miệng mà trả lời HS chào hỏi. Mỗi khi nghỉ định kỳ, Thầy phải bỏ việc ngồi trực để cho học sinh chào trước khi về.
Đó là nếp chuyên cần, ham học hỏi và không ngừng nỗ lực của học trò. Những ngày Trường mất điện, tối tự học thì Thầy phải mua nến, thắp nến đem đến từng bàn học sinh. Biết quý những chăm chút của Thầy, quý thời gian và ánh sáng, lớp nào lớp ấy im phăng phắc trong ánh sáng ngọn nến bập bùng. Cứ vào dịp nghỉ Tết và hè, rất nhiều học sinh đặc biệt là học sinh khối lớp 12 thường xin ở lại về sau và đến sớm hơn định kỳ để tự học thêm. Mỗi lần thi giai đoạn xong thì cả KTX buồn và nhiều người bỏ cơm vì nuối tiếc khi làm bài chưa thật thỏa mãn. Đến khi báo kết quả thì hầu hết làm đơn xin thi lại, kể cả những học sinh đã được 9,75 điểm (sẽ được làm tròn thành 10) cũng xin thi lại lấy 10 chính thức chứ không nhận điểm làm tròn.
Đó là nếp sống tình cảm, giàu yêu thương, biết lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia. Mỗi khi thấy Thầy có việc gì bận lòng, tỏ vẻ ưu tư hay buồn bực thì cả KTX lặng lẽ, nháy nhủ nhau, kín đáo cùng nhau tự truy tìm lý do, tìm lỗi rồi tự giác bảo nhau điều chỉnh mọi hoạt động sao cho Thầy vui.
Và rất nhiều, rất nhiều các nếp quý của học trò được nhen nhóm từng ngày cùng nhau chung sống, học hành dưới mái nhà chung. Những ý tứ, những thói quen sinh hoạt tinh tế, đẹp đẽ đó đã làm nên văn hóa KTX Trí Đức.
Sự nỗ lực đó của học sinh Trí Đức đã đem đến những kết quả được ghi nhận: Thi Tốt nghiệp luôn trong Top mạnh của Thành phố. Thi Đại học hằng năm thuộc những trường có tỷ lệ đỗ rất cao lúc bấy giờ. Một điều đáng quý là tất cả học sinh chỉ ở KTX một thời gian, ai cũng tự thấy mình thay đổi nhiều và gắn bó với tập thể hơn. Mỗi khi về nhà, bố mẹ rất vui vì thấy con em mình thay đổi hẳn: Chững chạc hơn, biết quan tâm đến bố mẹ, tỏ ra xứng đáng là anh chị với các em, chủ động dọn dẹp nhà cửa và ít giao du với các bạn chơi bời, đặc biệt biết lo việc học và biết nghĩ về tương lai…
Giai đoạn thứ 2 (2005 – 2008): 3 năm – Thời kỳ thay đổi và phát triển
Chính vì sự tiến bộ mọi mặt của học sinh Trí Đức, uy danh Nhà trường ngày càng tăng nhanh. Mỗi mùa tuyển sinh, Thầy phải vất vả cơi nới chắp vá mở rộng thêm phòng ở, nơi vệ sinh, chỗ sinh hoạt tập thể và phòng học… Thế nhưng năm nào cũng không thể nhận hết học sinh đến xin học. Trường trong tình trạng bị quá tải đến mức căng thẳng. Đến 2005, sức ép quá tải tột đỉnh, nhu cầu nội trú tăng vọt, không còn chỗ nào có thể cơi nới thêm. Trong khi tất cả KTX chỗ nào cũng đều có nguy cơ đổ sập. Môi trường vệ sinh không đảm bảo có nguy cơ phát sinh ổ dịch nguy hiểm. Nghĩa là không thể tồn tại ở đó được nữa, phải khẩn trương di dời. Vì thế, Trường đã phải thuê một địa điểm mới.
Nhưng lúc đó, Nhà trường chỉ đủ tiền thuê một khu thùng đấu ruộng trũng rộng 4500m2 ở cánh đồng phía bắc giáp làng Phú Mỹ. Cuối tháng 7/2005, Trí Đức mở một chiến dịch xây dựng 35 ngày đêm vô cùng vất vả. Nhiều ngày dưới cái nắng thiêu đốt, lại có những ngày mưa dông bão lụt, Trường vẫn thần tốc cấp tốc cướp lấy thời gian 24/24 giờ. Trong ngày, lúc nào công trình cũng náo nhiệt vừa san lấp vừa xây dựng. Công trình thường xuyên có 10 tốp thợ với hơn 200 người làm việc để đảm bảo tiến độ. Kết quả là cuối tháng 8 đã xây dựng xong toàn bộ Trường với 16 phòng học, 02 phòng đa năng, 05 phòng làm việc, 63 phòng ở, 01 bếp ăn tập thể và các khu nhà vệ sinh, tắm giặt với tổng diện tích xây dựng 3500m2. Khuôn viên Trường đã có đủ hệ thống điện nước, sân ngõ, đường đi và rãnh thoát nước. Phải nói đó là việc làm táo bạo mức phi thường.
Ngay sau đó, chỉ 2 ngày đêm, toàn Trường lại tổ chức cuộc đại hành quân, đại di dời lịch sử như một cuộc tập kích chiến lược phức tạp quy mô lớn: Tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển và lắp đặt lại 350 giường sắt 2 tầng, 700 giát giường, hơn 350 bộ bàn ghế học sinh, tất cả các trang thiết bị điện nước, đồ dùng dụng cụ phục vụ dạy và học, trang thiết bị văn phòng, hồ sơ sổ sách, thiết bị đồ dùng nhà bếp và toàn bộ tư trang hành lý của 760 học sinh nội trú. Cái khó lúc này là toàn bộ học sinh đã về nghỉ hè để lại hành lý. Lấy người đâu mà chuyển và chuyển làm sao không để mất, không lẫn hành lý của học sinh! Trong khi đường ngõ lại bé, ngoắt ngoéo chỉ loại taxi nhỏ nhất vào được. Thế mà với tinh thần quyết tâm và đầy sáng tạo, 60 Thầy trò – chủ yếu BTQ và một số học sinh tự nguyện đã hoàn thành nhiệm vụ khổng lồ phức tạp một cách gọn gàng, an toàn kịp cho khai giảng năm học mới 2005 – 2006.
Thực sự, ngày xây dựng, di dời đến trường tạm cứ như có phép thần thông biến hóa mà đến tận bây giờ nghĩ lại như huyền thoại.
Thế là giai đoạn 2 của trường Trí Đức gọi là giai đoạn Trường tạm bắt đầu từ đó đến hết năm học 2007 – 2008 – vừa tròn 3 năm.
Ở đây, không gian rộng rãi hơn một chút nhưng do tài chính eo hẹp, xây dựng quá vội và chỉ là làm tạm nên tất cả các phòng, các công trình đều nhỏ bé, rất thấp vì vậy vẫn chật chội, mùa hè rất nóng mà mùa đông lại rất lạnh. Sinh hoạt thì vẫn phải chung chia 40 người/ một khu vệ sinh, tắm giặt. Chỗ tự học ban ngày chưa có, tự học tối vẫn rất thiếu. Môi trường cảnh quan rất tồi, không có một cây xanh. Mỗi lần mưa thì toàn trường ngập úng. Cuốn theo nước vào Trường là các loại cá con, cua, đỉa, cả rắn… Cảnh tượng ngày lũ lụt rất ghê sợ. Đã thế, thêm vào chuỗi thử thách Trí Đức là môi trường xã hội vô cùng phức tạp. Học sinh KTX thường xuyên bị thanh niên xấu đến quấy đảo ngày: Ném gạch, dọa dẫm, phá cửa sổ chui vào phòng ở…
Đến năm học 2007 – 2008 thì chủ đất đòi chỗ bếp nên phải dùng phòng của BGH và Giáo vụ làm bếp, quây tạm cót ép giấy dầu ra sân làm phòng ăn. Những ngày trời nắng vừa ăn vừa lau mồ hôi nhễ nhại, ngày trời mưa thì phải xắn quần đứng dưới nước mà ăn, trời rét thì cơm canh lạnh buốt. Đã thế đến cuối năm học khi lớp 12 bắt đầu ôn thi chủ đất lại đòi riết và đưa giàn máy đến khoan chuẩn bị xây dựng. Tiếng ồn đến buốt óc. Thật là cùng cực không còn chỗ lui!
Chính vì thế, Nhà trường đã phải quyết liệt giải quyết đất dự án để xây dựng trường mới. (Là chính nơi này – ngôi trường mà chúng ta đang có mặt ngày hôm nay đây).
Đúng là khó khăn thử thách luôn bám chặt Trí Đức. Ngay khi xây trường mới, thật không may, đã khó lại khốn khó hơn. Vừa quyết định xây dựng thì gặp cơn bão táp về tài chính và giá cả. Chỉ trong một tháng mà các giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng gấp 3 – 4 lần. Vì không đủ điều kiện vay của Nhà nước, Trường phải vay ngoài, mà chấp nhận lãi suất cao vẫn không vay được. Khi xây dựng được 2/3 khối lượng công trình và đã là đầu tháng 5/2008 – tức là cũng chỉ còn 4 tháng nữa là vào đầu năm học mới, vì không vay được tiền nên thợ bỏ về hết, phải dừng thi công gần 1 tháng. Lúc đó Nhà trường đứng trước bờ vực thẳm và Thầy đã phải nói thật với toàn thể học sinh rằng nếu không vay được tiền để xây tiếp thì Thầy xin tất cả các em thông cảm, Thầy sẽ tạo điều kiện cho tất cả chuyển trường còn Thầy sẽ buông bỏ hết, buông bỏ cuộc đời này khoác ba lô lên núi ở một mình cách ly với xã hội đến hết đời…
Thật may mắn với Trí Đức và cũng là cái phúc của Thầy. Bởi những năm tháng đó, học sinh đã biết thấu hiểu, đã biết chia sẻ. Học trò răm rắp bảo ban nhau tự duy trì mọi hoạt động, mọi kỷ cương của Trường, nhất là tổ chức tự học, tự làm đề. Không ít học sinh đã quan tâm giúp Thầy. Trò rất hồn nhiên chân tình, mỗi khi Thầy ở công trình về, đứa thì lấy nước rửa mặt, đứa lấy nước uống, đứa thì đấm lưng bóp vai… Rất nhiều em đã vận động bố mẹ và người thân đến thăm hỏi và cho Thầy vay tiền xây Trường.
Thật thấm thía cảm động, mãi mãi cảm động!
Một trường hợp đặc biệt xúc động là cựu học sinh Nguyễn Thị Lý – lớp 12N1 – K7. Khi đó, khi đang học Đại học ở tỉnh ngoài, biết tin Thầy đang xây Trường gặp nhiều khó khăn tài chính, Nguyễn Thị Lý đã chắt chiu dành dụm, tiết kiệm được 600.000 đồng để gửi về tặng Thầy, tặng Nhà trường thêm vào xây trường mới. Khi nhận được tiền và mấy dòng trò viết, Thầy đã bật khóc vì cảm động và sung sướng. Ngay lúc đó Thầy tự nhiên thấy mình như minh mẫn hơn, khỏe mạnh lạ thường và đầy tự tin.
Đặc biệt hơn nữa là các thầy cô giáo Trường ta. Các thầy cô thật tuyệt vời, trên cả tuyệt vời! Đã không chê khốn khó, không sợ bị dây dưa vì nhìn thấy Trường vỡ nợ đến nơi mà ngược lại, các thầy cô chủ động cho Trường vay tiền và càng lăn vào mà dạy, dạy cho học sinh phải nể mà thích học.
Và quý vô cùng các cô bác anh chị em (CBNV) khối phục vụ. Họ thầm lặng, tận tâm thương yêu chăm sóc học sinh và thông cảm với Nhà trường.
Tất cả những tấm lòng đó của các thầy cô giáo, của CBNV và các em học sinh đã động đến trời xanh mà tạo cho Trường một sức mạnh huyền diệu như sức mạnh của thánh thần cứu vớt Trường qua cơn thảm họa để không những duy trì mà còn phát triển nhất là chất lượng GDĐT. Mỗi kỳ thi Tốt nghiệp, học sinh Trí Đức lại làm cho cả Hội đồng giám thị yêu quý khen ngợi về cả ý thức và kiến thức, làm cho các bạn ở trường khác cùng Hội đồng thi nể phục. Đặc biệt lứa học sinh K9 phải chịu cả 3 năm ở trường tạm cùng cực nhất, sóng gió nhất của trường. Đến năm lớp 12 vừa bị bất an do thanh niên xấu ở ngoài quấy nhiễu vừa bất ổn về môi trường học tập bởi những giàn khoan chói tai nhức óc lại thiệt thòi vì Thầy bận tối ngày giám sát thi công xây dựng trường mới mà không quan tâm được nhiều. Lạ thay chính trong hoàn cảnh đó, các em học sinh K9, nhất là các em nam đã thể hiện rõ nhất phong cách và bản lĩnh học sinh Trí Đức và đã làm nên kỳ tích, ghi mốc son sáng chói, một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của trường ta. Đó là ghi danh trường Trí Đức vào Top 200 trường THPT hàng đầu Việt Nam khi Bộ GD lần đầu tiên xếp hạng kết quả thi Đại học. Sự kiện đó ngẫu nhiên trùng với cái mốc trường ta làm cuộc đại di dời lịch sử lần 2 – dời đô vĩnh viễn ra ĐẤT SÁNG về trường mới hiện đại trước mùa khai giảng năm học mới 2008 – 2009. Nó báo hiệu thời kỳ phát triển mới về chất của trường Trí Đức chúng ta.
Giai đoạn thứ 3 (2008 – 2018): 10 năm – Thời kỳ phát triển vững chắc
Sau 10 năm thành lập và khẳng định, Trường ta về địa điểm mới này đến nay cũng đã tròn 10 năm. 10 năm tại trường mới, tuy có nhiều thuận lợi lớn về cơ sở vật chất nhưng lại đối mặt với thách thức do sức ép cạnh tranh quyết liệt trong tuyển sinh khi mạng lưới các trường công lập mở rộng, các trường dân lập cũng thi nhau mọc lên. Trong guồng cạnh tranh đó, Trường Trí Đức còn có cái khó riêng là thực hiện triệt để mô hình nội trú, bỏ hẳn ngoại trú, bán trú tức là cắt đi một lượng học sinh đáng kể so với những năm trước. Thêm vào đó là những chuyển biến không ngừng của xã hội, của nền giáo dục thời kỳ hội nhập. Tuy vậy, Trường luôn vững vàng thích ứng, bứt phá theo mô hình Độc và Lạ của mình để đưa hương sắc Trí Đức ngày một lan xa, tỏa sáng hơn.
Năm 2012 chính thức đánh dấu bước khởi sắc của Trí Đức khi Trường được cấp Bằng công nhận Chuẩn Quốc Gia. Và đáng hơn, Trường đã lọt vào Top 25 trường THPT có chất lượng Giáo dục đào tạo mạnh nhất Hà Nội, xếp cùng hàng với các Trường chuyên chọn uy danh của Thủ đô.
Có thể nói, 10 năm trở lại đây, tại ngôi trường mới là một thập kỷ mà thầy và trò Trí Đức bứt phá chạy đua, vừa bảo tồn truyền thống tốt đẹp vừa tiến về phía trước đón vận hội mới. Có được cơ sở, điều kiện hạ tầng tốt, Trường không ngần ngại đầu tư và phát triển nâng cấp chất lượng mọi mặt giáo dục đưa Trí Đức trở thành Một trường học đẳng cấp – Một xã hội nhỏ văn minh – Một Đại gia đình đầm ấm.
Về cảnh quan và môi trường: Trí Đức được xậy dựng tôn tạo đúng như niềm ao ước bấy lâu. Trường tọa lạc trên khuôn viên có diện tích 9.500m2, có đường nhựa xung quanh. Tuyệt vời nhất, ngay phía trước mặt Trường, hướng Đông – Nam là một hồ nước lớn, là lá phổi xanh, là máy diều hòa không khí tự nhiên và là gương nước khổng lồ làm khuôn viên Trường trở thành quý địa đắc đạo. 10 năm chăm trồng vun xới, Trí Đức đã có vườn sinh vật, vườn cậy ăn trái, bồn hoa cây cảnh phong phú đa dạng với hơn 200 loài cây mang hương sắc đặc trưng cả ba miền Đất nước. Trường lúc nào cũng tràn ngập màu xanh, quanh năm cây cối tươi tốt, bốn mùa hoa thơm trái ngọt tỏa hương tạo nên một Vương quốc Trí Đức trong lành, tươi mát, thanh bình hòa mình với thiên nhiên.
Về cơ sở vật chất: Trường có hệ thống đầy đủ các phòng học đạt chuẩn, các phòng bộ môn, phòng vi tính, phòng thí nghiệm Lý – Hóa – Sinh, phòng học ngoại ngữ, thư viện truyền thống, phòng đọc báo tạp chí, thư viện điện tử, thư viện nghe nhìn, phòng học nhạc, phòng văn hóa nghệ thuật, phòng truyền thống… Ký túc xá với 80 phòng ở khép kín có bình nóng lạnh, phòng y tế, căn-tin, bếp ăn tập thể, sân chơi, sân bóng đá, bóng rổ, phòng chơi bóng bàn, phòng tập nhẩy, vũ điệu… tất cả đều được trang bị đồng bộ rất hiện đại, thiết thực và tiện ích, đứng trong top các trường THPT hiện đại nhất Việt Nam.
Về đội ngũ giáo viên: Trường Trí Đức là nơi hội tụ các Nhà giáo giỏi và tâm huyết – Câu lạc bộ của các thầy giáo, cô giáo luyện thi ĐH và bồi dưỡng HSG các cấp hàng đầu ở Thủ Đô – Những tác giả của sách nâng cao và sách luyện thi ĐH. Trong tổng số 57 giáo viên của trường có 03 Tiến sĩ (5,26%), 25 Thạc sĩ (43,8%), 29 Cử nhân (50,8%). Phương châm của giáo vên Trí Đức là: Dạy đâu chắc đấy, dạy đâu luyện đấy, hổng đâu bù đấy. Dạy để học sinh thích học, thi đỗ vào Đại học và có tiềm lực vươn lên mãi. Đó là đặc trưng truyền thống của Phong Cách Giảng Dạy Trí Đức. BGH Nhà trường thường xuyên bồi dưỡng, hướng dẫn phương pháp học tập tiên tiến và phù hợp nhất, luôn nắm chắc tình hình học tập, rèn luyện tu dưỡng và hết lòng yêu thương giúp đỡ một cách có hiệu quả đến từng học Thầy Hiệu trưởng trực tiếp giảng giải và tư vấn hướng nghiệp rất kỹ lưỡng chi tiết cho HS đặc biệt lớp 12.
Về cuộc sống sinh hoạt: Trí Đức là trường nội trú. Mọi nhu cầu vật chất thiết yếu về sinh hoạt, học tập, ăn uống và chữa bệnh đều được phục vụ chu đáo qua hệ thống căn-tin, nhà ăn tập thể và phòng y tế. Mọi năng khiếu tiềm ẩn của học sinh đều được Nhà trường quan tâm tạo điều kiện tối đa và khích lệ các em phát triển qua hệ thống 20 CLB.
Các sinh hoạt VHVN, phát thanh tuyên truyền, TDTT hằng ngày cũng như các hoạt động lớn như Lễ mừng sinh nhật hằng tháng, Lễ hội trăng rằm Trung thu, đón tiếp các em lớp 10 mới, Lễ hội khai giảng, Lễ hội Tôn Sư trọng đạo 20/11, Lễ hội Tất niên mừng năm mới… là thức ăn tinh thần bổ dưỡng, độc đáo, mang tính truyền thống và đặc trưng của Văn hóa Trí Đức do Ban tự quản học sinh tổ chức theo sự chỉ đạo của BGH.
Giữ nếp truyền thống học sinh rèn luyện ý thức học chăm chỉ; chơi trí tuệ bổ ích; sống nghĩa tình, lịch thiệp, kỷ cương và Hiếu Đễ, đó là nét đặc trưng truyền thống trong Phong Cách Sống của học sinh Trí Đức. Cho đến giờ phút này, Ký túc xá Trí Đức thực sự là một đại gia đình đầm ấm, một trường học tổng hợp dạy kiến thức làm người và kỹ năng sống,mà nền tảng là dạy cho các em biết yêu bản thân đúng cách, luôn thực hành đạo Hiếu và tôn trọng luật “Nhân nào quả nấy”. Đó là “cái nôi” lý tưởng có một không hai, giúp tuổi trẻ học đường rèn đức luyện tài, trau dồi vốn sống. Cùng với thời gian gắn bó, mỗi học sinh Trí Đức đều có cảm nhận: Nhà trường là ngôi nhà ruột thịt của mình. Mỗi phụ huynh có con em học ở Trí Đức đều yên tâm tin tưởng, cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc.
Về kết quả, thành tựu:
- Nhà trường được Thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm định chất lượng giáo dục toàn diện năm 2011, đã xếp loại cấp độ III (cấp độ cao nhất, đạt 43/46 tiêu chí).
- Được Thành phố cấp BẰNG CÔNG NHẬN trường CHUẨN QUỐC GIA năm 2012.
- Top 1 trường THPT Nội trú Tốt nhất Hà Nội.
- Top 6 trường THPT Nội trú Tốt nhất Việt Nam.
- Top 30 trường chất lượng giáo dục mạnh nhất trên hơn 200 trường THPT tại Hà Nội.
- Trường có HS lọt Top 100 trường có thí sinh đạt điểm thi ĐH cao nhất cả nước.
- Liên tục trong Top 200 trường THPT hàng đầu Việt Nam (đạt điểm thi ĐH trung bình cao nhất cả Nước).
Đáng quý nhất là học sinh Trí Đức hơn hẳn học sinh trường khác ở tầm nghĩ, tầm nhìn, tầm giải quyết công việc. Biết yêu bản thân đúng cách, có trách nhiệm với bản thân và gia đình, tự lập tốt và biết tự lo cho bản thân, biết hoạch định chiến lược cho tương lai. Đặc biệt hơn hẳn về ý chí, năng lực vượt khó, vươn lên liên tục để thực hiện hoài bão ước mơ, có khả năng thích nghi, hoà nhập, cạnh tranh mạnh mẽ trong cuộc sống cộng đồng để tham gia vào sân chơi của những nhà lãnh đạo trẻ tương lai.
Giai đoạn thứ 4 (2018 – nay): Thời kỳ Chất Lượng Cao và Tinh Hoa
Cho đến nay, sau 25 năm dựng xây và phát triển, chúng ta có quyền tự hào về một Trí Đức có bề dày truyền thống và thành tích. Bắt đầu bước sang chặng đường mới, nhìn lại những đoạn đường qua, một điều đáng trân quý với chúng ta chính là cốt cách Trí Đức được kết tụ trong NHỮNG BÀI HỌC VÀ TRUYỀN THỐNG VÀNG CỦA TRÍ ĐỨC.
Xin được nêu nội dung những bài học và truyền thống Vàng của Trí Đức như sau:
- Toàn trường luôn đoàn kết và nhất trí, đặt quyền lợi học tập và rèn luyện của học sinh lên trên hết, tiếp nhau suy nghĩ và hành động, năng động và sáng tạo, đi đầu dũng cảm trước mọi thử thách và gian nguy.
- Mọi VCBNV, GV và HS luôn tôn trọng tổ chức, giữ gìn mọi kỹ cương
phép tắc và kỷ luật của nhà trường, đặc biệt tự kỷ luật. Sống nghĩa tình, lịch thiệp.
- Mọi CBNV thực hiện đúng chức năng, cương vị của mình, hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm với nỗ lực cao nhất. Mỗi cô, bác, chú CBNV là người cha, người mẹ thứ hai; mỗi anh chị nhân viên là người anh chị ruột thịt thứ hai của học sinh.
- Mỗi thầy giáo, cô giáo đúng nghĩa “thầy ra thầy’ trước hết là “thầy học”. Là tấm gương sáng về đạo đức, là người vừa “thắp sáng trí tuệ”, vừa “thắp lửa trái tim” cho học sinh.
- Mỗi học sinh Trí Đức:
– Luôn biết tự kiểm soát bản thân, biết yêu bản thân và yêu đúng cách.
– Luôn ghi nhớ và làm tròn bổn phận là con, phấn đấu trở thành Người con hiếu thảo của gia đình. Là học trò biết “tôn sư trọng đạo”, hiểu biết và làm theo Luật Nhân Quả.
– Luôn thực hiện tốt “Bốn thật”, “Bốn không” theo phong cách học sinh Trí Đức. Nam sinh Trí Đức mạnh mẽ, hào hiệp và bao dung. Nữ sinh Trí Đức hiền dịu, năng động và chu đáo.
– Biết tự xây dựng cho mình có ước mơ đúng, cao đẹp và phù hợp. Có kế hoạch và ý trí nô lực phấn đấu để thực hiện được ước mơ theo tinh thần và khí phách của Chim Ưng mà Nhà trường đã tặng cho học sinh Trí Đức. Trước mắt “Chen chân được vào trường Đại học mà mình thích để lập thân lập nghiệp”.
– Học sinh Trí Đức luôn phấn đấu để mãi mãi xứng đáng với biểu tượng Bông Sen Hồng ngát hương hữu ích.
- Ký túc xá Trí Đức là “Đại gia đình đầm ấm” của tất cả học sinh nội trú đa dân tộc, đa sắc thái văn hóa luôn đầy ắp tiếng cười và tràn ngập tình yêu thương, là dạy trường dạy kiến thức tổng hợp để làm người cho học sinh.
- Trường Trí Đức là điểm dừng, là nơi tụ nghĩa – “Đất dụng võ” của những CB, NV và các nhà giáo vừa có tâm, có tầm và có tài cùng góp sức vun trồng tương lai cho ĐẤT VIỆT – làm rạng danh GIỐNG NÒI RỒNG TIÊN.
(Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2010)
25 năm là quãng thời gian không dài so với chiều dài lịch sử dân tộc, nhưng đối với trường THPT Trí Đức, những đổi thay và thành tựu đạt được trong 25 năm là rất to lớn và đáng tự hào. Tròn ¼ thế kỷ phát triển, Trí Đức đã thay da đổi thịt, không ngừng nỗ lực để khẳng định thế đứng vững vàng và tỏa sáng.
Có được những thành tựu, thành tích của Nhà trường trong suốt 25 năm qua, trước hết, Nhà trường xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất tới tất cả các Thầy giáo, Cô giáo – những người vừa là thầy giỏi, vừa là thợ tài hoa đã bền bỉ dồn tụ tâm huyết với Trường, đã dày công trổ hết tài – tâm sát cánh cùng Nhà trường vượt qua muôn vàn khó khăn, góp phần to lớn đưa tiếng thơm của Trường ta tỏa rộng lan xa như ngày nay.
Trí Đức cảm ơn tất cả các cô bác, các anh chị em CBNV của Trường suốt 25 năm đã ngày đêm gắn bó, lăn lộn duy trì cho mọi hoạt động của Trường được nhịp nhàng thông suốt và hiệu quả.
Nhà trường chân thành cảm ơn các bậc PHHS đã tin tưởng gửi con em và đồng hành phối hợp với Nhà trường trong việc quản lý giáo dục HS.
Thầy Hiệu trưởng Nhà trường xin gửi riêng lời cảm ơn đến các em cựu HS đã từng là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, đặc biệt những em là cán bộ BTQ KTX những năm qua đã không tiếc công sức, thời gian đã năng động và sáng tạo, đoàn kết quanh BGH tổ chức rất nhiều phong trào, nhiều hoạt động bổ ích và lý thú. Đó là những món ăn tinh thần không thể thiếu của HS nội trú góp phần không nhỏ cải thiện tinh thần và không khí học tập hứng thú hiệu quả, giúp nhau rèn luyện tích lũy vốn sống, kỹ năng sống và các năng lực hoạt động xã hội. Đồng thời đã cùng nhau xây dựng nên Mái nhà chung – Đại gia đình KTX Trí Đức đầm ấm tươi vui. Tất cả giờ đây đã trở thành văn hóa truyền thống chỉ có ở Trí Đức. Thầy ghi nhận và đánh giá cao tinh thần vượt vượt lên biết bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, nỗ lực, cần cù, sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các thế hệ học sinh trường ta suốt hai thập kỷ qua.
Trong chặng đường tương lai, hướng tới những mục tiêu lớn lao hơn, Trường THPT Trí Đức tiếp tục phát huy những thành tựu, thành tích, kinh nghiệm của 25 năm xây dựng và phát triển, thực hiện tốt công việc dạy chữ, dạy người góp phần đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất, có năng lực tốt cho Đất nước thời kỳ hội nhập.
Thế hệ thầy và trò Trí Đức hôm nay luôn trân trọng những bài học quý giá của các thế hệ thầy và trò đi trước, phấn khởi trước những thành tích hôm nay, phấn đấu giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhà trường, tiếp nối xứng đáng để trường THPT Trí Đức mãi là niềm tự hào của các thế hệ học sinh, mãi là ngôi trường – mái nhà chung Độc và Lạ đầy ắp giá trị nhân văn.