TRƯỜNG HỌC ĐẲNG CẤP - XÃ HỘI NHỎ VĂN MINH - ĐẠI GIA ĐÌNH ĐẦM ẤM

PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP TRÍ ĐỨC

…Chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa để đi tới tương lai tốt đẹp cho mọi học sinh…

PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP TRÍ ĐỨC

CHÌA KHOÁ VÀNG VẠN NĂNG MỞ MỌI CÁNH CỬA ĐỂ ĐI TỚI TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP CHO MỌI HỌC SINH

Các em học sinh Trí Đức yêu quý! Với kinh nghiệm học tập của bản thân, kinh nghiệm nhiều năm chỉ đạo phong trào học tập ở Khoa Hoá ĐHSP Hà Nội I cộng với những kiến thức lượm lặt được qua nhiều tài liệu sách báo và đặc biệt do có tình yêu vô bờ với các em học sinh Trí Đức, đã giúp thầy viết nên tập tài liệu “PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP TRÍ ĐỨC”. Thầy xin tặng tất cả các em học sinh Trí Đức ở tất cả các thế hệ từ nay về sau mong các em vui vẻ đón nhận, coi đó là tình cảm của thầy dành cho các em. Hy vọng nó sẽ phần nào góp nên sự thành công, thành đạt của các em trên con đường học tập để lập thân, lập nghiệp.

I-/ PHƯƠNG PHÁP HỌC Ở NHÀ: Việc học ở nhà cần theo 3 công đoạn với thứ tự và phương pháp sau:
1. Công đoạn một: Ở lớp về, học ngay lại bài giảng của thầy (cô).
Nguyên tắc : Trong mỗi ngày, ở lớp học những môn gì, bao nhiêu tiết thì về nhà dành ít nhất bấy nhiêu tiết cho môn lý thuyết và gấp 2 lần số tiết cho môn có bài tập để học lại ngay những môn đó và phải tuân thủ theo thứ tự 5 bước sau đây:

Bước 1 : Tái hiện: là tự tưởng tượng, tự hồi nhớ lại nội dung bài học trên lớp. Ta thấy kiểm tra hay thi cũng chính là nhớ lại hay tái hiện lại nội dung kiến thức cũ đã học để làm bài. Vậy thì khi học ta hãy rèn luyện thường xuyên, liên tục để nó phát triển tối đa. Cách làm là:

Không mở sách vở, vừa nhớ vừa nháp lại toàn bộ nội dung bài vừa học trên lớp. Trước hết ghi lại tên bài rồi các mục lớn sau đến các mục nhỏ và nhớ dần đến từng nội dung chi tiết. Quên đâu tạm bỏ đấy, để cách ra, làm tiếp phần sau đến hết bài. Sau đó quay lại bổ sung từ đầu, cố nhớ những chỗ quên. Cứ thế đến lần 2, lần 3. Khi nào thật sự không thể nhớ được nữa thì dừng. Có thể tái hiện theo nhóm hoặc cả lớp.
Đây là bí quyết để phát triển trí nhớ và rèn khả năng tư duy độc lập. Học theo cách này nó rèn cho ta ý thức chủ động, tích cực trong công việc, tinh thần tự lực tự cường không ngại khó khăn, rèn bản lĩnh vững vàng trước mọi thử thách và sự bình tĩnh trước gian nguy.

Bước 2 : Xào bài: là học kỹ lại bài sau khi đã tái hiện cho hiểu: lúc này mở vở, mở sách giáo khoa, đối chiếu nội dung vừa tái hiện với vở và sách xem đúng được bao nhiêu %? Bổ sung những chỗ thiếu, sửa lại những chỗ sai cho bài tái hiện hoàn chỉnh.
Học kỹ lại lần nữa, vừa học vừa tự đặt các câu hỏi: Tại sao? vì sao? Thế là thế nào? có thể khác được không? có cách khác tốt hơn không? có đúng như vậy không? Giống kiến thức nào? bài nào đã học, giống ở chỗ nào, đến mức nào? vv… và tự trả lời các câu hỏi đó. Chỗ nào không hiểu, không trả lời được hoặc trả lời được nhưng còn hoài nghi thì tìm trong sách giáo khoa hoặc tài liệu tham khảo để làm sáng tỏ. Nếu vẫn còn vướng mắc thì đánh dấu (?) vào lề vở và ghi thắc mắc đó ra một tờ giấy để sau đưa lên báo học tập của lớp, hoặc gửi cho cán sự bộ môn, gửi cho thầy (cô). Khi mình phát hiện có cách trình bày, chứng minh hay hơn, chặt hơn,… so với cách của thầy (cô) thì ghi ngay vào lề vở để sau hỏi xem có đúng không. Chú ý: thường xuyên có sự đối chiếu giữa vở ghi với sách giáo khoa và phải tìm thấy bản chất giống nhau. Nếu thấy khác nhau thì phải tìm mọi cách giải quyết đến tận gốc. Trong lúc học như thế nếu bổ sung thêm vào vở ghi được càng nhiều càng tốt, tự đặt được càng nhiều câu hỏi rồi lại tự giải quyết được thì càng hiểu sâu và nhớ lâu.
Tóm lại xào bài là học kỹ để hiểu sâu, hiểu bản chất các vấn đề. Đây là bước quan trọng nhất quyết định chất lượng của quá trình học ở nhà. Học như thế này còn rèn cho ta tác phong làm việc nghiêm túc, làm đến nơi đến chốn, làm cẩn thận chắc chắn, làm đâu được đấy.

Bước 3: Sau học hiểu là đến học thuộc: Gập vở, gập sách phát biểu lại, trình bày lại, viết lại đầy đủ, ngắn gọn những nội dung chính của bài theo ý hiểu của mình. Có thể thay đổi bố cục, cách sắp xếp thứ tự các mục đến việc thay đổi những số liệu, dữ kiện… Có thể hình dung bằng những hình tượng cụ thể cho sinh động. Tóm lại học thuộc là tái hiện hoàn chỉnh trơn tru lại bài vừa xào. Bước này giúp cho kiến thức mới thực sự làm tổ hay được định hình rõ nét vào trong đầu. Thực hiện được như vậy giúp ta khắc phục bệnh chủ quan đại khái, tính cẩu thả, hình thành đức tính chu đáo trong công việc. Nó còn giúp ta rèn luyện cách trình bày một vấn đề cho sáng sủa, chặt chẽ, ngắn gọn, dễ hiểu.

Bước 4: Vận dụng lý thuyết vừa học để làm bài tập, trả lời câu hỏi:

Nguyên tắc là phải làm hết toàn bộ bài tập, câu hỏi trong sách GK kể cả dễ và khó. Khi làm phải trình bày một cách đầy đủ chi tiết, không làm tắt, không vừa làm vừa xem lý thuyết.
Trình tự làm một bài tập:
Tóm tắt lại toàn bộ nội dung chính, (phần cốt lõi, không thể không nhớ) của bài. Có thể vận dụng nó để làm gì, vận dụng như thế nào, có gì phải chú ý, nó liên quan với những kiến thức nào đã học.
Nếu có điều kiện thì ghi lại toàn bộ nội dung của bài đó sang quyển vở khác một cánh đầy đủ hơn, chính xác hơn, sạch sẽ hơn và quan trọng là ghi lại (trình bày lại) theo ý hiểu đã được bổ sung của mình.
a) Đọc kỹ đề bài (từ 2 -> 3 lần) xem người ta cho cái gì, cho cái đó để làm gì, đã đủ chưa, bắt tính cái gì, trả lời vấn đề gì?…

Chú ý: Thường một bài toán không cho thừa và cũng không thiếu các dữ kiện
Sau đó tóm tắt đề bài, dưới dạng: Giả thiết Cho …………………..

Kết luận Hỏi …………………..

b) Để vài phút suy nghĩ định hướng xem để giải quyết những vấn đề của bài toán thì phải sử dụng những kiến thức nào, kiến thức đó nằm ở đâu, phần nào, thuộc loại nào, dạng nào (lúc này ta chỉ tái hiện chọn lọc những kiến thức có liên quan cần thiết sử dụng cho bài tập, có thể cả những kién thức đã học từ lâu)

c) Làm ra giấy nháp:
+ Viết sơ đồ cách giải, cách trả lời (Nếu là bài văn thì lập dàn ý)
+ Giải chi tiết, cụ thể từng bước, từng phần một cách hoàn chỉnh đến kết quả cuối cùng.
+ Kiểm tra lại kết quả.
+ Suy nghĩ tìm các cách giải khác rồi chọn lấy một cách ngắn gọn nhất, chặt chẽ nhất, hay nhất.
d) Làm vào vở. Kiểm tra lại. Cuối cùng nhận lại dạng bài tập đó và xem nó giống dạng bài nào đã gặp.

Bước này giúp ta rèn luyện khả năng sử dụng, vận dụng một cách linh hoạt sáng tạo và có chọn lọc những kiến thức đã có để giải bài tập và trả lời câu hỏi. Cách học này sẽ giúp ta hình thành phương pháp tư duy logic, phương pháp suy nghĩ và lập luận một cách khoa học, có căn cứ, hình thành đức tính cẩn thận chín chắn không vội vàng hấp tấp, không thoả mãn với thành công nhỏ ban đầu mà có ý chí phấn đấu vươn lên để đạt được thành công lớn hơn.

Bước 5 : Khái quát, hệ thống lại toàn bộ nội dung bài vừa học.

* Liệt kê những dạng bài tập hoặc câu hỏi mà mình đã biết có vận dụng nội dung kiến thức đó.
* Làm được bước này mới thực sự tiêu hoá xong “thức ăn” kiến thức, thực sự biến kiến thức của thầy, của sách vở thành của mình, giống như khi ăn thức ăn vào dạ dầy phải tiếp tục được co bóp chuyển hoá thành các chất dinh dưỡng rồi ruột non lại hấp thụ chọn lọc các chất dinh dưỡng đó mới nuôi được cơ thể. Làm được bước này giúp ta nhớ rất lâu, nhớ một cách hệ thống để sau này đễ dàng sử dụng và nếu quên còn có thể tự nhớ dần lại được. Nó giúp ta kiểm kê đánh giá chính xác những kiến thức mới nạp thêm vào đầu. Ngoài ra giúp ta rèn luyện, để có khả năng nhìn nhận một cách tổng hợp, biết rút ra kết luận khoa học từ những sự vật hiện tượng độc lập, giúp ta hình thành những đức tính, những năng lực làm việc của người có đầu óc tổ chức quản lý. Đó là những dấu hiệu ban đầu dẫn đến sự thành đạt sau này.

2. Công đoạn hai: Soạn sách vở, học lại bài những môn theo thời khoá biểu để chuẩn bị lên lớp.
3. Công đoạn ba: Tự học trước những bài mà thầy sẽ giảng trong buổi lên lớp sắp tới .
Sau khi học và làm xong bài tập của những môn vừa học trên lớp ngày hôm đó, ta mới soạn sách vở và học bài của ngày hôm sau. Khi học bài chuẩn bị cho ngày hôm sau ta chỉ còn phải ôn lại lý thuyết và xem lại bài tập mà ta đã học kỹ và đã làm hết từ hôm trước. Cách học là cũng tái hiện cả lý thuyết và bài tập. Sau khi học xong, riêng đối với bài tập thử nghĩ xem còn có cách giải nào hay hơn không? Hoặc tự thay số liệu khác, tự thay đổi một số dữ kiện, tự đặt câu hỏi khác để thành một bài toán mới rồi tự giải và xem một bài toán như vậy có hợp lý không, có đúng không. Sau đó nhớ hỏi lại thầy, hỏi bạn, tham khảo sách vở để khảng định lại.
+ Nên nghĩ đơn giản như đọc một mẩu truyện hơi khó hiểu và trình tự như sau:
Đọc và suy nghĩ kỹ về đề bài, thử phán đoán nội dung chính của bài xem sẽ nói về những vấn đề gì?
Mở phần mục lục xem có những mục nào, suy nghĩ và phán đoán nội dung chính của mỗi mục đó.
Đọc chậm, đọc kỹ, suy nghĩ kỹ, nháp kỹ nội dung từng mục theo thức tự trong sách GK, đặc biệt chú ý các ví dụ, chứng minh công thức toán… tìm ý chính của bài văn…. tìm mối liên hệ với những kiến thức đã học. Thường xuyên tự đặt các câu hỏi và tự trả lời.
Tuần tự như vậy cho đến hết bài. Nếu còn thì giờ thì quay lại vòng thứ 2, thứ 3.
Nếu còn thì giờ nữa và có khả năng thì gập sách lại tái hiện và nháp lại nội dung của bài, rồi xác định đâu là trọng tâm (nội dung chính) của bài. Cao hơn nữa thì nêu phương hướng sử dụng, vận dụng kiến thức của bài để làm gì.
Nếu cảm thấy đã nắm được nội dung cơ bản của bài thì tiến lên 1 bước là trả lời những câu hỏi và làm những bài tập trong sách giáo khoa (dễ làm trước, khó làm sau. không làm được cũng nên đọc).
Đây là phương pháp tốt nhất rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu, nó giúp phát triển tư duy thông minh sáng tạo, tìm tòi khám phá, phát hiện vấn đề. Vừa nâng cao kết quả học tập trước mắt vừa tạo thói quen tự học mãi mãi.

II-/ PHƯƠNG PHÁP HỌC Ở TRÊN LỚP. Trước khi đi vào phương pháp học ở trên lớp ta cần thống nhất một số quan điểm.

Chúng ta xác định quá trình học ở trên lớp có thầy (cô) giảng là quan trọng nhất đối với kết quả học tập của mỗi học sinh, nó bao gồm 2 phần: Truyền thụ của thầy và tiếp thu của trò trong đó tiếp thu của trò là quyết định. Ta sẽ xét kỹ quá trình tiếp thu bài của học trò.
Trong toàn bộ quá trình tiếp thu bài ở trên lớp thì yếu tố tập trung tư tưởng, dồn hết tâm trí vào việc nghe giảng, suy nghĩ kịp với từng lời, từng ý của thầy và hiểu được nội dung mà thầy ( cô) muốn truyền đạt là quan trọng nhất, nó quyết định chất lượng học tập của mỗi người. Ta làm được việc này thì sẽ hiểu được toàn bộ nội dung của bài giảng ngay trên lớp, về nhà sẽ tái hiện được một cách đầy đủ, chính xác và như thế cả quá trình học ở nhà sẽ rất nhanh, hiểu sâu và dễ dàng vận dụng để làm bài tập.
Tự đánh giá thế nào là đã tập trung tư tưởng trong tiết học: Nếu ta thật sự tập trung tư tưởng, dồn hết tâm trí vào việc tiếp thu bài giảng trên lớp thì phải đạt được những yêu cầu sau đây:
+ Nghe được hết, không bỏ sót một lời nào của thầy (cô).

+ Nhìn được hết lần lượt từng nét chữ , từng công thức, hình vẽ … trên bảng.

+ Ghi được hết và kịp thời những nội dung mà thầy (cô) muốn cho ghi (ở đây muốn nói có những ý thầy không ghi lên bảng, chỉ nói nhưng có ý định muốn cho ta ghi vào vở)!
+ Không nghe thấy, không biết đến mọi việc gì xung quanh ngoài thầy (cô) đang giảng bài và những ý kiến phát biểu xây dựng bài của các bạn ở trong lớp.
* Để việc học ở trên lớp đạt hiệu quả cao ta cần rèn luyện để có các kỹ năng và thói quen tốt sau đây.

1. Kỹ năng kết hợp nghe nhìn và suy nghĩ khi thầy giảng bài:

Mỗi ý, mỗi lời, mỗi vấn đề, mỗi công thức, mỗi hình vẽ vv,… của thầy đưa ra ta đều tự đặt ngay câu hỏi trong đầu: tại sao? tại sao lại như vậy? có đúng thế không?.. và tự trả lời ngay để hiểu đúng ngay vấn đề đó, đừng để “đành phải chấp nhận”.
Trong quá trình tiếp thu thầy giảng ta liên hệ với ý hiểu của mình khi tự học trước ở nhà và tự đánh giá kết quả của việc học trước xem được bao nhiêu % .
Những chỗ có liên hệ đến kiến thức cũ và những chỗ thầy nhấn mạnh là quan trọng hoặc được sử dụng nhiều thì càng phải chú ý hơn và đánh dấu lại .
2. Kỹ năng ghi bài vào vở:

Chia trang vở thành 3 phần, chỉ ghi bài vào 2/3 bên phải còn 1/3 bên trái ta dùng để đánh dấu tất cả mọi vấn đề cần phải chú ý như: những chỗ chưa rõ (?) , chưa hiểu (?), những vấn đề khó thầy giảng kỹ (!), những chỗ quan trọng thầy nhấn mạnh (!!) và những ý thầy nói mở rộng thêm (­) vv, … Khi về nhà học lại ta sẽ bổ sung, chỉnh lý, sửa chữa, trả lời tất cả những vấn đề đó và ghi vào 1/3 trang vở bên trái. Ngoài ra ta sẽ ghi những cách trình bày khác gọn hơn, hay hơn, chính xác hơn mà ta tham khảo được ở tài liêu hoặc ta tự nghĩ ra. Nếu nghi vấn chưa biết có đúng không thì sẽ hỏi thầy hỏi bạn sau.
Bài ghi phải có các đề mục rõ ràng, sáng sủa. Sau mỗi phần, mỗi chương nên để cách ra nửa trang để sau sẽ ghi tóm tắt lại những kiến thức quan trọng nhất cuả chương đó.
Cố ghi tóm tắt theo ý hiểu của mình. Nếu không kịp hiểu thì phải ghi nguyên theo lời thầy. Đặc biệt chú trọng những ý thầy đặt vấn đề, ý chuyển tiếp từ phần nọ sang phần kia. Phải ghi bằng được đúng tinh thần dẫn dắt, kết luận của thầy về ý nghĩa và tầm quan trọng của mỗi vấn đề. Nếu không ghi kịp có thể viết tắt hoặc dùng các ký hiệu.
Chỗ nào chẳng may không nghe được, không ghi kịp thì để cách về nhà bổ sung.
3. Thói quen và kỹ năng tham gia xây dựng bài trên lớp:

Những vấn đề gì chưa rõ, chưa hiểu cố gắng hỏi thầy ngay trên lớp.
Chú ý nghe, suy nghĩ tìm cách trả lời mọi câu hỏi của thầy trong bài giảng và mạnh dạn phát biểu. Khi bạn khác phát biểu hoặc khi thầy giải đáp, cần liên hệ đối chiếu với ý mình định phát biểu xem giống và khác nhau ở chỗ nào.
4. Thói quen và kỹ năng triệt để tận dụng vài phút cuối giờ khi thầy dừng giảng bài mới chuyển sang phần tóm tắt, củng cố, khắc sâu kiến thức (phần cốt lõi của bài). Lúc này cần tập trung tư tưởng cao nhất, vừa nghe thầy nói vừa tưởng tượng, tái hiện lại những nội dung mà thầy vừa giảng, trong đó quan trọng nhất phải nắm bắt được xem thầy muốn ta phải nhớ cái gì, phải khắc sâu cái gì, sử dụng nó để làm gì và sử dụng như thế nào.

Chú ý :Trong khi theo dõi, tiếp thu bài giảng mới ở trên lớp, chỉ khi nào thầy(cô) yêu cầu mở sách giáo khoa thì mới mở, còn không thì tuyệt đối không mở.

5. Thói quen và kỹ năng hết tiết học thử tự đánh giá càng chính xác càng tốt xem tiếp thu được bao nhiêu %, và thấy tinh thần có thoải mái không? có vui không?

III-/ PHƯƠNG PHÁP HỌC NGOẠI NGỮ:

Ngoài việc vận dụng linh hoạt PPHT chung đã nêu ở trên thì việc học ngoại ngữ phải tuân theo những phương pháp riêng, đặc thù riêng của nó mới có kết quả tốt. Cụ thể:

1) Tạo thói quen và nhu cầu ngày nào cũng phải học ít nhất một lần, tốt nhất vào sáng sớm.
2) Khi học cần đọc thành tiếng, miệng đọc tai nghe và luyện cho đúng cách phát âm, đầu nghĩ xem có hợp lý không, đã đúng chưa, đã hay chưa để nhớ nghĩa của từ, của cụm từ cũng như của thành ngữ và cách sử dụng trong mỗi trường hợp cụ thể.
3) Tự đặt những câu có sử dụng từ mới, ưu tiên các từ sống (là những từ dùng trong sinh hoạt hàng ngày như: Ăn, ở, mặc, vui chơi, giao tiếp v..v). Sau đó tự hỏi như thế có phù hợp không, đã đúng chưa…..
– Tập nói và viết theo một chủ đề nào đó như học tập, bạn bè, gia đình v..v. Nếu có thể nhờ người khác nghe và nhận xét hộ.
– Tập diễn đạt nhiều cách khác nhau để nói về cùng một sự việc, rồi kiểm tra lại xem như thế có bị sai lệch sự việc không.
4) Cần chú ý nắm vững các quy luật cấu tạo từ, cấu trúc câu. Mỗi vấn đề cần học kỹ một số ví dụ để bắt chước.
5) KHông nên học từ mới riêng lẻ mà học qua một đoạn văn, một bài khoá, bài báo, hoặc đoạn hội thoại … và không nên học quá nhiều từ mới một lúc theo kiểu gò ép.

IV-/ LẬP THỜI GIAN BIỂU (TGB) VÀ KẾ HOẠCH CHO HỌC TẬP.

1) Lập TGB: TGB là biểu phân bổ thời gian cho từng hoạt động trong ngày của mỗi người như: Ăn, ngủ, học tập, làm việc và vui chơi v.v. theo trình tự từ đầu buổi sáng (lúc ngủ dậy) đến hết buổi tối (lúc đi ngủ).

Mỗi em cần lập TGB cụ thể, chính xác hợp lý nhất và làm thế nào sử dụng hết toàn bộ thì giờ có thể có trong ngày để học tập. Cách lập là lấy thời điểm bắt đầu ngủ dậy buổi sáng làm mốc, lập dần đến lúc đi ngủ cuối buổi tối, phân chia ra từng khoảng thời gian để thực hiện từng công việc theo ý định của mình. Ví dụ: Từ 5h -> 5h20′ (sáng): Ngủ dậy, thể dục, vệ sinh cá nhân. Từ 5h20->6h: Tự học tiếng anh. Từ 6h->6h20: Ăn sáng. Từ 6h25->11h50′: Đi học ở trường. Từ 12h00->13h: Ăn và nghỉ trưa…

Lập TGB cho ngày chủ nhật và tối thứ 7 để học những môn còn yếu, những kiến thức hổng hụt, những phần trong tuần chưa hoàn thành kế hoạch hoặc để làm đề cương ôn tập v..v cho đến việc vui chơi giải trí.

2) Lập kế hoạch học tập: Trước hết đưa hết Thời khoá biểu cả học chính khoá, luyện thi, phụ đạo vào TGB. Sau đó xem còn lại những thì giờ nào cho tự học, từ đó ta phân chia để tự học từng môn, từng phần. Chú ý sắp xếp sao cho hợp lý, học cái gì trước cái gì sau, thời gian bao lâu, học từ đâu đến đâu và phải đạt được kết quả thế nào. Nhớ dành một phần thời gian cho ôn tập (học xong mỗi phần, mỗi chương đều ôn ngay).

Để lập được kế hoạch hợp lý nhất, cần nghiên cứu kỹ và học theo PPHT Trí Đức. Chú ý trong các buổi tự học nhất là buổi tối nên học các môn Xã hội, môn thuộc lòng trước, các môn có bài tập học sau để đỡ buồn ngủ và đỡ uể oải.

Việc lập TGB và học theo kế hoạch là biện pháp hỗ trợ giúp ta tiết kiệm và sử dụng hợp lý thì giờ, chủ động học đều và làm hết bài tập của các môn (giúp ta biết tường tận 60 phút của một giờ, 24 giờ của một ngày và 7 ngày của 1 tuần) đúng theo tinh thần của một người học để tiến thân, để lập nghiệp.

* Mỗi lớp và những lớp có thời khoá biểu giống nhau nên phối hợp bàn bạc để làm kế hoạch thống nhất và học theo kế hoạch thống nhất đó sẽ loại trừ được ảnh hưởng xấu, phát huy được tác dụng tốt khi trao đổi thảo luận trong quá trình cùng tự học một phòng và hiệu quả sẽ tăng vọt.

Làm được việc trên, nó rèn cho ta tác phong làm việc khoa học, luôn chủ động, có kế hoạch, biết tính toán sắp xếp công việc tức là có đầu óc tổ chức để sau này làm được việc lớn, làm nhiều việc một lúc mà không bị rối vẫn có hiệu quả cao.

3) Biện pháp để thực hiện đúng TGB và kế hoạch học tập đã lập:

– Đề nghị bố mẹ và gia đình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho mình. Với học sinh nội trú phải có sự nhất trí của cả lớp, cả phòng.

– Phải chơi với bạn học (để chơi mà học), phải học với bạn chăm để chăm theo bạn.

– Tự khép mình vào tổ chức kỷ luật: Từ kỷ luật của nhà trường, của lớp đến của gia đình, của bạn và tự kỷ luật.

– Cuối mỗi ngày trước khi đi ngủ, để ra 5′ -> 10′ tự tu: Tự kiểm điểm lại bản thân mình xem từ lúc ngủ dậy (sáng sớm) đến lúc đó, đã làm những việc gì, ở đâu. Mỗi việc đã đạt kết quả đến đâu, có mắc sai lầm gì, đã hoàn thành được kế hoạch đặt ra chưa v..v, đã làm điều gì tốt, điều gì xấu với ai. Cần rút kinh nghiệm gì. Đáng tự thưởng hay tự phạt như thế nào. Sau đó đặt mục tiêu cho hôm sau. Cuối cùng để 1 phút thật sự thoải mái, thanh thản đầu óc, không nghĩ việc gì, không buồn không bực, tạo tâm trạng hơi vui, tưởng tượng như mình đang đi dạo hoặc đang nằm, ngồi trên một đồng cỏ xanh mướt, xung quanh không khí thật trong lành êm dịu… rồi thầm cầu mong mọi sự tốt lành sẽ đến với mình, tưởng tượng như có một lực lượng siêu hình đang quan tâm, động viên và sẽ giúp mình đạt được ước mơ cao đẹp.

V-/ THƯỜNG XUYÊN TÍCH LUỸ CÁC TƯ LIỆU VÀ KINH NGHIỆM PHỤC VỤ HỌC TẬP.

1) Mỗi em nên làm một số sổ tay tư liệu học tập, ít nhất là các môn sẽ thi Đại học và một sổ tay tổng hợp ghi chép những câu châm ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao, những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống… để chiêm nghiệm và tự sửa mình.
2) Mỗi em nên làm một số bộ quân bài học tập, ít ra cho các môn Toán, Lý, Hoá, Tiếng Anh để có thể tranh thủ tận dụng mọi thì giờ cho tự học, tự kiểm tra kiến thức bất cứ lúc nào và ở đâu được dễ dàng, tiện lợi mà hiệu quả rất cao lại đỡ mệt đầu.
3) Mỗi em nên tích luỹ các bài tập mẫu, những dạng bài tổng hợp tổng quát, những đề thi cũ phân ra từng tập tạo thành một “ngân hàng” đề và tập hợp các bài làm của mình trong các kỳ thi, kỳ kiểm tra đã chữa kỹ để thỉnh thoảng giở ra xem lại giúp cho luôn nhớ kỹ và nhớ hệ thống các kiến thức cũ cũng như các sai lầm để không mắc lại.
4) Cần thường xuyên tự rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh PPHT cho phù hợp với các điều kiện cụ thể của từng môn, từng thời gian, phù hợp với sức khoẻ và sinh hoạt để đảm bảo hiệu quả cao nhất.
5) Tích cực tham gia các phong trào, các hình thức học tập của lớp như: Làm báo học tập, làm đề cương ôn tập, xemina, truy bài, tái hiện tập thể, làm đề… để tự kiểm tra kiến thức của mình, bù đắp những kiến thức hổng hụt, rèn kỹ năng trình bày và không bị tụt hậu so với mặt bằng kiến thức của lớp, của khối.
VI-/ THƯỜNG XUYÊN KHAI THÔNG TƯ TƯỞNG, BỒI DƯỠNG TINH THẦN VÀ MÀI SẮC QUYẾT TÂM BẰNG CÁCH:

1) Xây dựng ước mơ đúng, ước mơ trong sáng và cao đẹp phù hợp với khả năng thực tế của mình. Nó như bánh lái của con tầu giúp ta đi đúng hướng mà có đi đúng hướng thì mới tới được đích. Nó chính là động lực tăng thêm nghị lực và sức mạnh cho ta vượt mọi khó khăn để tới đích. Nó còn là niềm vui giúp ta thêm yêu cuộc sống.
2) Xác định được mục đích, mục tiêu học tập trước mắt thật cụ thể, rõ rệt và sát thực. Biết gạt bỏ những mục đích mục tiêu tầm thường và thấp hèn. Biết đẩy lại đằng sau những mục tiêu chưa thiết thực, chưa cấp bách.
3) Phải có triết lý sống lạc quan, tin tưởng. Tin vào sự thành công của việc mình làm, tự tin vào khả năng của chính bản thân mình. Càng khó khăn thì càng phải lạc quan và tự tin. Càng lạc quan và tự tin thì càng có nhiều sáng kiến, tìm được nhiều phương pháp hay và càng có nhiều sức mạnh để thành công.
4) Thường xuyên tự kiểm tra, nhìn nhận lại mình, lắng nghe sự góp ý phê bình của mọi người để loại trừ, hạn chế các tư tưởng xấu, những suy nghĩ tiêu cực như: Mặc cảm, tự ty, dấu dốt, bi quan chán nản, quá lo âu sợ sệt, chủ quan, đại khái, cẩu thả vv…
5) Việc gì dù nhỏ cũng phải làm bằng cái đầu trước rồi mới làm bằng tay chân, phải nghĩ ra quy trình, cách làm tốt nhất, phải làm đúng cách và đúng thứ tự, phải nỗ lực cao nhất để đạt kết quả tối đa, coi đó là danh dự của mình.
6) Luôn gắn bó với tập thể, tích cực tham gia xây dựng tập thể và hoà đồng với mọi người.
7) Làm tròn bổn phận làm con trong gia đình, luôn quan tâm tới bố mẹ và người thân, luôn làm vui lòng bố mẹ bằng kết quả học tập và rèn luyện của mình.
8) Luôn chú ý học lấy điều “Biết xấu hổ”, đó là loại “vắc-xin” tốt nhất để phòng mọi bệnh cho tư tưởng làm cho tâm hồn của mình luôn khoẻ và đẹp.
9) Luôn ghi nhớ và thực hiện: Kỷ luật là thước đo về lòng tự trọng, trình độ văn hoá và sự văn minh của con người. Nó tạo ra sức mạnh giúp ta thực hiện ước mơ và tận hưởng được hạnh phúc.

VII-/ CHÚ Ý BỒI BỔ TƯ DUY. Cần thực hiện tốt 6 mục lớn ở trên và thực hiện các điều sau đây:

– Tránh mọi việc gây nên những “Xung” (chấn động) lớn có ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm của mình.
– Tập thói quen biết “Tự kỷ ám thị” tốt cho học tập.
– Luôn khiêm tốn và cầu thị trong mọi việc, nhất là trong học tập.
– Tích cực phát huy sáng kiến dù là sáng kiến rất nhỏ.
– Dũng cảm, dám thách thức trước khó khăn.
– Hãy tự lực tự cường trong mọi việc tới mức tối đa.
– Thường xuyên tự tu, tự thưởng phạt cho mình.

VIII-/ Luôn quan tâm giữ gìn sức khoẻ thật tốt. Trong đó đặc biệt chú ý ăn uống điều độ giữ vệ sinh và coi trọng bữa ăn sáng. Không thức quá 12 giờ đêm, duy trì giấc ngủ trưa đều nhưng không quá 30 phút. Đặc biệt tránh xa các loại tệ nạn xã hội và những thứ như rượu, bia, thuốc lá…
* Khẩu hiệu hành động của học sinh Trí Đức là:
1. Giờ nào việc ấy, làm việc và học tập có kế hoạch với hiệu quả cao.
2. Ở lớp và ở nhà đều học theo PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP TRÍ ĐỨC.
3. Phải chen chân được vào trường đại học mà mình thích để lập thân, lập nghiệp.
Học sinh nội trú xin thề
Chưa đỗ đại học, chưa về quê hương
4. Học ra học: Học thật, thi thật, điểm thật, kiến thức thật để trụ vững, hoà nhập và phát triển cùng thời đại.

Chúc tất cả các em thành công trong việc áp dụng Phương pháp học tập Trí Đức!

Thầy của tất cả học sinh Trí Đức

Hà Trung Hưng

BÀI VIẾT LIÊN QUAN