TRƯỜNG HỌC ĐẲNG CẤP - XÃ HỘI NHỎ VĂN MINH - ĐẠI GIA ĐÌNH ĐẦM ẤM

SẮP XẾP MÂM ĂN GỌN GÀNG, KHOA HỌC

Học ăn, học nói, học gói, học mở. Đó là lời căn dặn của cha ông ta từ xưa. Phàm sinh ra là người thì ai ai cũng đều phải học và học hết thảy mọi điều trên đời để vươn tới giá trị làm Người. Cuộc sống hiện đại gắn với số hóa, công nghiệp hóa, ít nhiều giá trị đời thường bị mai một theo thời gian làm mất đi nét đẹp nhân văn cuộc sống. Có một ngôi trường – Một xã hội văn minh thu nhỏ – Một Đại gia đình ấm áp hiện đại đã và đang dạy chúng tôi cách gìn giữ, bồi đắp mọi giá trị cuộc sống. Đó là TRÍ – ĐỨC.

Trong những lời chia sẻ đầu tiên của mình, chúng tôi xin được nói về một việc tưởng chừng như đời thường giản đơn nhất nhưng thực chất lại chứa đựng trong đó là cả vấn đề khoa học, mĩ học, nhân học: Sắp xếp mâm ăn gọn gàng, khoa học, văn minh.


Phòng ăn tập thể Trí Đức

Bữa ăn vật chất là những bữa cơm ấm áp với các bạn cùng phòng trong bếp ăn tập thể. Từ các buổi sinh hoạt Ký túc xá, bên cạnh học những bài học làm Người, chúng tôi còn được Thầy dạy vô vàn những kỹ năng cuộc sống, trong đó có bài học về cách ăn.
Ăn sao để thấy ngon miệng, vừa ăn vừa thưởng thức tất cả các hương vị trong từng bữa ăn, từng món ăn vốn được gửi gắm trong đó bao nhiêu tình cảm nặng sâu của bố mẹ, của các bố các u nhà bếp, của Người Cha chung dành cho những đứa con của mình.
Bài học đầu tiên trong cuộc sống tập thể tại ngôi nhà chung của chúng tôi là sự quan tâm trong việc ăn uống. Trước khi ăn, phải đếm xem phòng đã đủ người hay chưa, phải nắm được những bạn ra ngoài, những bạn bị ốm để có chế độ ăn uống phù hợp. Khi xuống phòng ăn thì đứng đúng mâm ăn của mình, đúng phòng, chờ các bạn đến thì mới ăn. Dù là bữa ăn thường ngày hay những bữa tiệc lớn Trí Đức cũng đều như vậy. Đây chính là quy định làm nên thói quen ăn uống văn minh của một Đại gia đình gần ngàn đứa con chúng tôi. Bữa ăn của chúng tôi, vì vậy không phải chỉ là ăn để no mà là cảm nhận hương thơm, vị ngon ngọt từ những món ăn được chế biến từ đôi bàn tay khéo léo của các bố, các u nhà bếp lại thấm đượm trong đó hương vị sẻ chia, đoàn kết của tình bạn bè.


Ăn khi đủ bạn, đứng đúng mâm của phòng mình

Bài học thứ hai về bữa ăn mà chúng tôi luôn ghi nhớ và thực hiện là tiết kiệm và trách nhiệm. Chúng tôi không bỏ thừa đồ ăn. Tránh thừa mứa, lãng phí, mỗi bàn ăn chúng tôi thường lượng sức ăn mà lấy cơm, canh. Dùng hết thì lấy thêm. Bát cơm, thìa canh có được là nhờ công sức lao động của cha mẹ, của các bố các u, là sự nỗ lực trăn trở lo toan của Thầy. Đồ ăn, đó là thứ nhất định mỗi chúng tôi phải biết trân quý.
Suốt bữa ăn, không ai được bỏ lên phòng sớm hơn các bạn cùng mâm ăn. Chúng tôi được hướng dẫn quy trình dọn dẹp mâm ăn sao cho giúp các cô bác thu dọn nhanh nhất còn dành thời gian nghỉ ngơi. Khi thu dọn, trên bàn ăn, dưới nền nhà tuyệt nhiên không có thức ăn rơi bừa bãi. Tất cả những việc tưởng rất nhỏ đó thực sự là một khoa học. Nó giúp chúng tôi trưởng thành từ những điều thường ngày cuộc sống..
Như vậy, không chỉ tiết kiệm đồ ăn, dọn bàn ăn khoa học còn giúp chúng tôi tiết kiệm công sức, thời gian cho bản thân và tất cả mọi người. Điều quan trọng là thái độ, những qui định về dùng bữa được chúng tôi vui vẻ coi đó là trách nhiệm của mình chứ không bao giờ ỷ lại cho các cô bác nhân viên. Qua cách ứng xử thường nhật như vậy, chúng tôi rèn luyện được tính khoa học, ý thức rự giác, biết cảm thông và chia sẻ công việc với mọi người. Cứ như thế mỗi một việc làm khiến chúng tôi có thêm nhiều bài học quý giá. Dần dần tất cả trở thành thói quen văn minh trong nếp ăn, nếp nghĩ của người con Trí Đức.
Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm. Trên tinh thần đó, từ bàn ăn đến phòng ăn, từ bữa ăn ngày thường đến đại tiệc…, Trí Đức luôn gọn gàng sạch đẹp và vô cùng văn minh. Bữa cơm của chúng tôi thật sự là lúc Đại gia đình quây quần đầm ấm, vui vẻ.

Trí Đức không chỉ dạy chúng tôi kiến thức trong sách vở mà còn giúp chúng tôi nhận ra giá trị thiết thực của cuộc sống với những điều hoàn toàn quen thuộc. Ở nơi đây mỗi ngày, chúng tôi như được mở ra một chân trời mới. Nhận ra cuộc sống đáng trân trọng nâng niu, chúng tôi cần cù chăm chỉ hơn, rộng mở lòng nhân ái, sẻ chia và trách nhiệm … Có lẽ chỉ có nơi đây, Ngôi trường – Đại gia đình của chúng tôi mới có thể đem đến cho học trò của mình những cảm nhận và cách sống tốt đẹp như thế!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN