Nghe có vẻ hơi lạ: Dạy nghĩ, dạy lo? Mọi người thường tâm niệm, nghĩ ngợi, lo toan hay tận hưởng vui sướng hạnh phúc ở đời vốn được xem là những trạng thái gắn với bản năng của con người, sao cần phải học mà dạy. Nhưng với tôi (hoặc cũng có thể có những ai đó như tôi) thì lại là một lẽ khác…
Tôi là một thành viên của lớp 10N7. 10N7 là lớp cuối cùng khối 10 của Trường Trí Đức. Thú thực tôi đã từng không cảm xúc gì với khái niệm 10N7 hay bất cứ lớp nào khác. Đó là những ngày đầu về Trí Đức. Đầu óc tôi vốn là khoảng trống rỗng. Nghĩ ngợi, lo toan, xúc cảm là thứ xa xỉ, viển vông trong quan niệm sống của tôi.
Giờ thì đã thay đổi. Sự thay đổi này ở tôi là một bước tiến gắn với chặng đường gần một năm học qua. Ngôi trường nội trú Trí Đức đã dạy tôi sống biết nghĩ suy, biết trăn trở lo toan cho một tương lai còn dài ở phía trước. Đó là điều chỉ có được khi tôi đến nơi đây. Từ lan can tầng bốn cửa lớp 10N7, nhìn rộng ra khoảng trời Trí Đức, tôi nhận ra mình nhỏ bé quá, cần đổi thay, cần vươn lên chứ chẳng thể chần chừ ỷ lại mãi như một quá khứ lê thê những năm tháng đã qua …
Góc nhìn 10 N7 thân thuộc mỗi giờ ra chơi
Mười mấy năm, từ bé, rồi từ Tiểu học đến Trung học cơ sở, đại loại là trước khi về Trí Đức, tôi vô tư, đúng hơn là vô tâm, kèm theo đó là vô lo, vô nghĩ, vô cảm. Sự vô cảm của tôi đã làm mẹ tôi mệt nhoài, bố tôi đau đầu bất lực. Còn tôi thì cứ vậy mà sống theo cách mình thích thôi. Tôi không chơi bời đàn đúm, không cãi bướng hay gây chuyện. Chỉ là tôi sống theo kiểu tận hưởng, nắng mưa gió bão, động đất sóng thần là việc không phải của tôi. Nhưng nếu để tôi ướt đầu, rát nắng thì đó là lỗi của bố mẹ tôi, tôi cho mình cái quyền trách móc đay nghiến họ. Tôi ấm ức, khó chịu nếu mẹ tôi có điều gì chưa kịp lo thấu cho tôi. Mẹ tôi có ca thán nhưng tôi cho rằng, mọi việc là bổn phận mà mẹ tôi tất yếu phải lo phải gánh. Mẹ tôi bằng mọi cách cố thay đổi tôi mà tôi vẫn ỳ ra. Có lúc mẹ nản mặc kệ tôi nhưng thường vẫn thế, xót con, mẹ tôi chẳng mặc kệ được lâu. Biết “bài” của bố mẹ, tôi chẳng phải để tâm hay lo nghĩ bất cứ điều gì cho mệt… Đó là một thời quá khứ của tôi. Một quá khứ không cần biết và kết quả là tôi sống không biết nghĩ cho người thân, không biết lo lắng ngay cả cho chính bản thân mình từ việc học, việc chơi, việc ăn mặc hay kể cả đi ngủ cũng phải có người lo gấp chăn màn…
Như thế đấy, bao năm, cuộc sống của tôi đã có bố mẹ tôi lo hộ, nghĩ hộ, lam hộ. Bao năm, mẹ tôi rất rất nhiều lần khóc lóc, năn nỉ tôi hãy biết thương bố mẹ mà lo nghĩ về những việc của mình. Tôi vẫn kệ…
Lớp 10, tôi về Trí Đức. Đương nhiên tôi chẳng lo nghĩ gì cho tới lúc một mình bước chân vào ký túc xá. Dù gì, tất cả mọi việc mẹ tôi đã lo toan hết rồi.
Tháng ngày độc lập ở Trí Đức bắt đầu
Tôi còn nhớ, hồi đầu ở Trí Đức, đó là những tháng ngày ngỡ ngàng đến kinh ngạc của tôi. Tôi phải tự lo mọi việc cho mình. Đầu óc phải mở ra mà tư duy, suy nghĩ. Đắn đo, cân nhắc về những việc nên làm, việc không nên làm. Nghĩ cách chung sống với chín bạn còn lại trên phòng, với mấy chục bạn cùng lớp, với cả một gia đình lớn với gần nghìn người …
Chẳng dễ dàng chút nào khi ở tuổi 15, tôi mới bắt đầu học cách lo cho mình. Tôi bắt đầu thấm thía, hối hận về cách sống vô lo, vô nghĩ, vô tâm bao lâu nay của mình.
Và bạn bè, họ có phần giống tôi hoặc ngược lại. Tôi nhìn thấy mình trong bạn cùng phòng cùng lớp. Tôi bắt đầu học từ họ sự độc lập kiên cường mà lần đầu tiên tôi nhận ra những người sống biết biết nghĩ là những người sống rất khoa học, đáng tôn trọng.
Thầy cô hướng dẫn, các bố, các u kèm cặp. Các bạn cũng là thầy của tôi. Họ dạy tôi cách sống tự lo, độc lập, sống biết lắng nghe, biết sẻ chia. Tôi nhận ra cái quí của cuộc sống tập thể Trí Đức là nó không làm tôi chán nản mà ngược lại, nó làm tôi có hứng thú, thấy sức vóc kẻ nam nhi được khích lệ. Bạn làm được, làm tốt, sao mình không thể?! Và tôi nỗ lực học theo. Rồi tôi cũng biết nghĩ, biết lo. Lúc đầu là đối phó, sau tôi dần hiểu đó là lẽ sống. Tự nhiên như nó vốn thế.
Tôi lo căn thời gian để việc ăn, việc học, việc sinh hoạt, việc giải trí cho phù hợp, khoa học, hòa hợp với các bạn trong phòng, hòa nhịp với lớp và hoàn nhập với môi trường Đại gia đình Trí Đức bề thế, uy nghiêm. Tôi đã yêu thương, gắn bó với mọi người nơi đây từ lúc nào, tôi cũng không nhớ rõ…
Tôi đã hòa nhịp với cuộc sống sôi động, cuồng nhiệt sức trẻ Trí Đức mỗi ngày
Tôi đã gắn mình với tập thể 10N7 thân mến của chúng tôi
Gần hết một năm, giờ tôi lo chạy đua với thời gian để lấp dần những khoảng trống kiến thức, kĩ năng mà tôi tự tạo ra trong quá khứ sai lạc.
Tôi lo khi thấy lớp 10 của tôi đã dần kết thúc mà tôi vẫn đang ghi tên mình trong lớp N7. Tôi chưa tiến được bước nào. Điều đó là chưa ổn.
Và tôi lo, hành trình để đến với tương lai của tôi … Trí Đức đã chắp cánh ước mơ cho tôi, thôi thúc tôi không thể bước lùi hay dậm chân!
* * *
Mỗi lần tôi về quê nghỉ giai đoạn, mẹ tôi mừng lắm, mừng về việc tôi đã “biết nghĩ, biết lo”. Mẹ tôi khoe sự tiến bộ của tôi với chẳng thiếu ai từ bạn bè, người thân… Tôi thấm thía thương mẹ. Tôi không hãnh diện vì được khen mà thấy ngậm ngùi xót mẹ. Bao nhiêu năm tháng quá khứ, mẹ tôi đã phải lặng thầm tủi khổ vì tôi, về một đứa con có lớn mà không có khôn, không biết lo nghĩ.
Tôi chỉ là một trong số gần nghìn Người con Trí Đức của hiện tại. Khoảng sân luôn ấm áp và xanh trong những ước mơ tuổi học trò này luôn nhắc nhở tôi sống có ý nghĩa mỗi ngày, chan hòa trong tình người giản dị. Trí Đức dạy tôi biết nghĩ để làm cho đúng cho tốt cho hay. Trí Đức dạy tôi biết lo lắng cho một ngày mai tốt đẹp tươi sáng hơn. Tôi biết ơn nhiều lắm, Thầy và ngôi trường của Thầy đã tái sinh hồn sống con người tôi.
Xôn xao một chiều được về giai đoạn
Một chuyện rất riêng, rất đỗi bình thường, và có khi chẳng có nghĩa lý gì với những ai đã tuyệt vời ngay từ thuở ban đầu. Nhưng tôi đã từng nói, với tôi lại là một lẽ khác. Cuộc đời tôi đã chuyển sang bước ngoặt đi về phía con đường rộng. Nơi ấy là tương lai tốt đẹp. Từ Trí Đức, tôi đủ cơ sở để gửi gắm niềm tin và theo đuổi ước mơ. Cách sống và cuộc sống ý nghĩa dành cho tôi hôm nay được nhen nhóm từ một chiếc nôi vĩ đại: Chiếc nôi Trí Đức. Vâng, Trí Đức đã dạy tôi cách sống biết nghĩ, biết lo dạy tôi biết cách làm người xứng đáng nhất!
TC 10N7 – Trí Đức, 2017