Các em học sinh Trường THPT Trí Đức rất yêu quý! Thầy viết bài này tặng các em để hướng dẫn các em suy nghĩ, tìm hiểu về ý nghĩa của phù hiệu học sinh Trường ta. Đó chính là mục tiêu giáo dục, đào tạo của trường Trí Đức. Từ đó các em có hướng rèn luyện, phấn đấu trong học tập và tu dưỡng đạo đức.
Khi thành lập một nhà trường, bao giờ người ta cũng đặt cho một cái tên vừa để gọi, để phân biệt với trường khác, vừa còn muốn nhấn mạnh một số ý nghĩa nào đó. Thường, người ta đặt theo danh Nhân hoặc Địa danh. Còn Trường của chúng ta thì Thầy lại cho khai sinh bằng cái tên Trí Đức. Ở đây Thầy đã cân nhắc rất kỹ, phân tích và tổng hợp, sàng lọc để lựa chọn. Cuối cùng, Thầy đã dùng hai từ ghép Trí Đức muốn khái quát hóa toàn bộ từ nhiệm vụ, mục tiêu chung của trường Phổ thông đến những tinh hoa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Đó là mục tiêu của giáo dục đào tạo ở mọi thời đại, và cũng là nguồn gốc của mọi nền văn minh nhân loại. Hai từ Trí Đức rất bình dị mà thật thanh cao, rất gần mà lại vô biên. Trí Đức là khát vọng vươn tới của mỗi con người, mỗi quốc gia và cả nhân loại.Trí Đức bình đẳng cho mọi người, không phụ thuộc vào chế độ xã hội. Bất kỳ một nhà giáo dục chân chính nào cũng thấy rõ điều đó. Loài người càng tiến bộ, văn minh thì nội dung của Trí Đức càng cao đẹp. Trí Đức càng cao đẹp thì làm cho nhân loại càng văn minh và hạnh phúc. Nghĩa là Trí Đức với loài người là nguyên nhân và hệ quả của nhau, cùng tồn tại và phát triển mãi mãi.
Việc tự đặt cho mình cái tên Trí Đức là lời tuyên bố, lời hứa danh dự sắt son của Trường ta trước xã hội, trước nhân loại về sự tuyệt đối trung thành với mục tiêu của giáo dục phổ thông, trong đó đặc biệt chú trọng bồi dưỡng trí tuệ và nâng cao đức hạnh cho học sinh. Tên trường cũng như tên một con người. Nếu ai đó nhắc đến tên một người thì ta có thể hình dung ngay gương mặt, tầm vóc, nước da, giọng nói, tư cách và nhân cách … của người đó. Ở đây, Thầy muốn dùng hai từ Trí Đức đặt tên cho Trường để mọi thành viên của Trường lấy đó mà phấn đấu, để mỗi khi ai đó nhắc tới tên trường Trí Đức là người ta hình dung ra ngay những con người cụ thể ở Trường chúng ta có những phẩm chất tốt đẹp như cái tên của Trường vậy..
Các em hãy nhìn trên phù hiệu thấy dòng chữ “THPT Trí Đức thật giản dị đặt ở vị trí thấp nhất biểu hiện một sự khiêm tốn song cũng là vững chãi nhất. THPT Trí Đức thật vững mạnh sẽ trang bị cho HS đầy đủ, hoàn hảo kiến thức và kỹ năng, phẩm chất và năng lực tạo bệ phóng cho các em vào đời. Dòng chữ mang tên Trường có màu đỏ tươi như là dòng máu nóng đầy nhiệt huyết, đầy tình yêu thương của tập thể các Thầy giáo, Cô giáo Nhà trường đã dành cho học sinh không bao giờ ngừng nghỉ. Ngay bên trên là biểu tượng của trang vở, quyển sách luôn đồng hành cùng học sinh Trí Đức ngày đêm rèn đức luyện tài. Đồng thời đó cũng là biểu trưng cho đôi cánh Chim Ưng quân tử không mỏi, với ý chí gang thép dũng mãnh sẽ nâng chúng ta lên và đưa chúng ta bay đi tới những chân trời mới của sự hiểu biết, của trí tuệ và văn minh, để chúng ta có thể sống và làm bạn với mọi người trên khắp hành tinh này. Ngoài trang vở quyển sách học trò, ngoài cánh chim không mỏi, đó còn tượng trưng cho chiếc lá với nhiệm vụ quang hợp ánh sáng mặt trời để chuyển hóa các chất lấy từ đất và nước thành dinh dưỡng nuôi hoa thơm quả ngọt.
Nổi bật ở vị trí trung tâm là hình tượng búp Sen hồng căng tròn sắp đến độ nở, ở thời điểm đẹp nhất. Tại sao khi sáng lập Trường mình Thầy lại chọn biểu tượng búp Sen hồng cho học sinh Trí Đức? Trước hết, mỗi học sinh các em như búp như hoa trên cành cho nên người ta thường nói là “Hoa học trò” nghĩa là rất đẹp đẽ, trẻ trung, thơ mộng và nhiều hy vọng. Vấn đề là giữa muôn vàn loại hoa khác nhau, có rất nhiều loại hoa đẹp lộng lẫy, nhiều loại hoa có hương thơm quý phái, thế mà ở đây Thầy lại chọn búp Sen hồng. Tại sao Thầy không chọn: ví dụ bông hồng nhung mà người ta vẫn mệnh danh cho là “Bà chúa các loài hoa”. Bởi vì các loại hoa đó có loại đẹp sắc thì không hương, được hương thơm thì không sắc, được cả hương sắc thì không kết trái, có loại kết trái thì trái vô dụng, có loại trái hữu ích thì hoa chẳng ra sao…. Ngoài ra chúng lại đòi hỏi phải nuôi trồng trong những điều kiện thích hợp… Thế còn búp Sen thì sao? Chúng ta hãy điểm qua các ưu điểm của nó:
- Sen là một trong số rất ít loài cây mà người trồng lại không phải làm đất, không phải chăm bón, không kén chọn đất vẫn rất tươi tốt, đầy sức sống. Có thể nói vào đâu Sen cũng sống, ở đâu Sen cũng tươi tốt. Nhà trường muốn dạy, rèn cho học sinh Trí Đức luôn yêu đời, yêu cuộc sống, muốn các em phấn đấu như Sen để luôn thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi môi trường sống và ở đâu cũng sẽ sống khỏe, sống tốt, sống đẹp.
- Sen không cao to đồ sộ, thân mềm, sống với bùn nước giữa mênh mông đất trời nhưng không hề có loại sâu bọ, côn trùng nào phá hoại được. Chúng ta muốn rèn luyện như Sen để có bản lĩnh vững vàng, có kháng thể mạnh mẽ chiến thắng được kẻ xấu kẻ ác, chiến thắng bệnh tật giữ cho thân thể luôn khỏe mạnh cường tráng.
3. Hoa Sen không bao giờ mọc thành chùm, không mọc từ cành nhánh mà luôn mọc từng bông một trực tiếp từ thân. Điều này muốn nhắc học sinh Trí Đức luôn gắn kết với cội nguồn, nghĩ về gia đình và làm tròn bổn phận là con. HS Trí Đức không a dua đàn đúm, luôn có bản lĩnh vững vàng và có tính tự lập tự cường rất cao. Hoa Sen khi mọc ra vút thẳng lên và vừa xuyên qua bùn nước đã như một bàn tay Tiên búp măng tuyệt đẹp. Các em hãy phấn đấu như vậy: Thẳng thắn, mạnh mẽ, dũng cảm vươn lên giữa đường đời phức tạp đầy biến động nhưng dù hoàn cảnh nào vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên cốt cách vốn có của mình, luôn xác định và giữ được truyền thống gốc gác của ông cha.
- Sen còn là tượng trưng cho tính vô nhiễm. Chẳng những cuống rỗng, ngó rỗng song bùn nước cũng không len vào được. Lại càng lạ hơn: tuy mọc lên từ bùn nước, hấp thụ thức ăn từ bùn nước nhưng cánh hoa trắng muốt hoặc hồng tươi tinh khiết, hương thơm thanh nhã chẳng hề nhuốm mùi bùn.
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng;
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
(Ca dao Việt Nam)
Thầy, trò trường Trí Đức luôn luôn và mãi mãi tôn thờ Sen, noi theo đức tính đó của Sen. Mặc dù trong cuộc sống thường xuyên phải tiếp xúc, đối mặt, chung sống với nhiều thói hư tật xấu, nhiều tệ nạn xã hội song quyết giữ mình, rèn luyện mình không để hoàn cảnh xấu, người xấu chi phối lây nhiễm. ở đây Thầy muốn mượn cái đức Trời cho của Sen để nói về sự làm chủ bản thân, nhắc các em phải coi trọng việc tu thân. Bởi có tu thân thì mới bảo vệ được mình và còn là đầu mối để tiến tới tề gia (tức là biết tổ chức và xây dựng cuộc sống gia đình) mà gia đình là tế bào của xã hội. Có tổ chức tốt cuộc sống gia đình thì mới có hạnh phúc và có năng lực tham gia công tác xã hội, phát triển Đất nước.
- Cuống lá, cuống hoa Sen tuy có gai rất cứng nhưng không sắc nhọn, không làm xước da chảy máu tay người: Chúng ta cần có bản lĩnh cứng rắn vững vàng, có sức khỏe thật tốt, và biết cách tự bảo vệ bản thân mình mà không làm hại đến ai.
- Bất kỳ bông Sen nào đã mọc lên đều nở và sau khi nở đều kết trái cho hạt. Đó là điều cực quý và hiếm. Nhà trường và tất cả các em – những học sinh đã tự nguyện tìm đến theo học tại Trí Đức, đó là những học sinh dũng cảm với khát vọng “Tầm Sư học Đạo” đúng đắn muốn tìm đến thầy thực tài, tâm huyết, môi trường giáo dục chân chính để rèn đức luyện tài thực sự, để nên người, trưởng thành vững vàng. Chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu với nỗ lực cao nhất để tất cả đều thành đạt, đều thực hiện được ước mơ cao đẹp, khát vọng cháy bỏng của mình.
- Điều quan trọng hơn là sự thành đạt đó như thế nào và sử dụng để làm gì? Chúng ta hãy học tập từ Sen. Sen chỉ sống với bùn nước nhưng từ gốc tới ngọn không có gì là không quí, mọi thứ của Sen đều giúp ích cho con người: Hương Sen là loại hương quý, người đời dùng ướp trà, làm bánh kẹo, nấu chè ăn… Hạt Sen vừa là loại thuốc quí vừa là thức ăn bổ dưỡng. Mầm trong hạt Sen gọi là Tâm sen chữa tim hồi hộp, chữa mất ngủ. Củ và ngó sen đều là thức ăn ngon, bổ dưỡng và đều là thuốc cầm máu, an thần. Tua nhị Sen, vỏ gương Sen, lá Sen đều là các vị thuốc cầm máu, chữa băng huyết, thổ huyết, tiêu ứ, khó tiểu tiện… Lá Sen thường dùng bọc cơm, gói cốm, vừa giữ cho cốm khỏi khô vừa tạo hương thơm đặc trưng không lá gì có thể thay thế…
Xét tổng thể phải nói rất hiếm có loại cây nào, loại hoa nào được sống trong điều kiện đơn giản chỉ là bùn, nước mà lại đạt tới kết quả tuyệt đỉnh như vậy, ở đó chứa đựng đầy đủ các giá trị thẩm mỹ, tinh thần và vật chất tuyệt hảo như Sen! Phải chăng, Sen là sự hội tụ những tinh hoa của âm dương, của đất trời, những tinh tuý của thiên nhiên, của vũ trụ! Và trong thiên nhiên cũng như xã hội loài người có hình ảnh tương phản nào đạt tới độ chín, độ đẹp như Sen với bùn? Bởi thế, người đời đã ca ngợi Sen, cho Sen là loài hoa phi phàm, loài hoa quân tử, hoặc để ví với người quân tử. Cũng có lẽ vì thế mà từ bao đời nay đã có không biết bao nhiêu thơ văn ca ngợi Sen. Sen là thứ hoa gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của con người. Sen đẹp, Sen thơm, Sen tượng trưng cho sự trinh trắng, cao khiết. Sen được cắm trên Ban thờ, Phật ngồi trên toà Sen cho người ta khấn vái. Sen quả là tấm gương sáng, hoàn hảo cho con người noi theo trong rất nhiều trường hợp cả xưa, nay và mãi mãi mai sau…
Vì vậy, Thầy cũng như Nhà trường muốn học sinh Trí Đức hãy noi theo hoa Sen: mặc dù được xuất phát từ vị trí còn khiêm tốn, dù phải trải qua rất nhiều khó khăn nhưng với ý chí và nghị lực mạnh mẽ, với tinh thần cần cù nhẫn nại, được ước mơ cao đẹp soi sáng và tiếp thêm sức mạnh chúng ta quyết tự vươn lên đạt đỉnh điểm của sự thành đạt khiến ngươì đời phải ngưỡng mộ, thán phục. Thầy muốn mỗi học sinh Trí Đức hãy là một bông Sen, noi theo bông Sen, đem sự thành đạt giúp ích cho đời. Và khi thành đạt, đã đẹp đã thơm, vẫn giản dị khiêm nhường, luôn giữ được sự trinh trắng cao khiết, thơm nhưng thoang thoảng, thanh nhã mà nồng đượm.
Phía trên bông Sen là những vì sao. Mỗi vì sao lấp lánh chứa đựng biết bao sự bí ẩn. Trên bầu trời, trong không gian vũ trụ có muôn vàn vì sao, không bao giờ đếm hết được. Bầu trời chứa vô vàn vì sao, mỗi vì sao chứa vô vàn điều bí ẩn. Trong khi cả xã hội loài người của chúng ta chỉ sống trên một trái đất như một vì sao bé nhỏ kia. Vậy thì những điều mà loài người chưa biết còn vô cùng vô tận. Như vậy bầu trời, không gian vũ trụ tự nhiên bao la kia cũng chính là bầu trời tri thức vô cùng rộng lớn và phong phú đang vẫy gọi những ai muốn khám phá. Hy vọng trong đó có những học sinh Trí Đức ưu tú của chúng ta.
Tất cả được hiện lên nổi bật trên nền màu xanh tươi sáng bao la. Đó là màu của tuổi trẻ, của sự sống, của niềm tin và hy vọng. Bởi học sinh Trí Đức luôn trẻ trung, yêu đời, đầy lạc quan tự tin vào chính mình. Đó cũng là màu của hoà bình và sự hợp tác, của khát vọng làm bạn với mọi người. Màu của nước, của mây, của hoài bão ước mơ muốn vươn xa bay cao để được khám phá, tích luỹ làm giàu thêm kho tàng tri thức của nhân loại.
Cuối cùng còn một chi tiết nữa rất đặc biệt cần bàn đến chính là nơi đặt tên trường Trí Đức, đặt bông sen và cánh chim. Nhìn vào ta thấy nơi đó như mặt biển nước mênh mông. Đúng vậy! Đó là mặt đại dương. Nói đến đại dương tức là nói đến trái đất của chúng ta. Như thế nghĩa là trường Trí Đức tồn tại được, thầy trò ta sống được, làm việc, học tập và được vui chơi sung sướng hạnh phúc là hoàn toàn nhờ vào, dựa vào trái đất. Cũng như thế không phải chỉ trường Trí Đức chúng ta mà là cả nhân loại. Và ở đây bông sen, cánh chim kia chính là tượng trưng cho tất cả mọi loài sinh vật cũng đang được sống nhờ vào, dựa vào và phụ thuộc vào Trái đất. Như vậy mọi sự sống trên hành tinh này là hoàn toàn nhờ và phụ thuộc vào trái đất, vào thiên nhiên. Tất cả ngụ ý, muốn nhắc nhở rằng: Con người có tài giỏi, văn minh đến đâu cũng chỉ bắt chước thiên nhiên, rất nhỏ bé so với thiên nhiên, luôn sống trong thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên và phụ thuộc vào thiên nhiên. Bởi vậy phải biết ơn trái đất, phải biết ơn thiên nhiên. Chúng ta, tất cả chúng ta phải biết tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng quy luật của thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, góp phần làm phong phú và làm đẹp thêm cho trái đất, cho thiên nhiên. Chỉ có thế, cuộc sống của con người mới ổn định, bình an, mới tốt lên. Đó cũng là một trong những mục tiêu của giáo dục chân chính. Đó là lẽ sống của tất cả chúng ta!
Trí Đức, ngày 19 tháng 3 năm 1999
Thầy Hà Trung Hưng