Hoàng Việt Hoa, Lớp 12N2- K22
Sau chuyến đi ủng hộ Miền Trung cùng với Trường, tôi nhận ra rõ ràng hơn, hành trình của yêu thương không có khởi đầu, cũng không có điểm kết thúc. Đó là dòng chảy miên viễn mà ở mỗi chặng, dù đang đâu đó, mỗi chúng ta đều có thể hòa mình vào, làm lớn mạnh hơn dòng chảy yêu thương. Điều quan trọng, ta có nhận ra con đường đó mà hòa vào, bước tiếp hay không. Ở phương diện này, tôi thấy, chúng tôi là những người may mắn. Bởi ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã được Trường dẫn dắt, hướng tâm vào hành trình của nhân ái bao la. Gần đây nhất, hành trình hướng về Miền Trung sau những ngày Miền Trung oằn mình chống chịu bão lũ dồn dập, chúng tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa hành trình của yêu thương. Đơn giản thôi, “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng….”, tấm lòng đó đủ để chuyên chở yêu thương…
Tấm biển đồng hành cùng chúng tôi
trong chuyến đi Hà Nội – Quảng Bình
Đồng bào Miền Trung, tôi hiểu, phải trải qua bao lũ lịch sử 2020, họ khó có thể quên. Đó thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng bởi bão lũ đã cuốn đi, càn quét tất cả sự yên ổn cuộc sống bao người dân. Liên tiếp bão chồng bão, lũ chồng lũ. Chứng kiến Miền Trung đau thương, cả nước quặn thắt xót xa. Cứ mỗi lần nghe tin bão, lòng người cả nước lại giật mình thảng thốt, cầu xin trời đất đừng đổ dội thêm nữa những cuồng nộ dữ dằn vào mảnh đất mong manh Miền Trung. Những ngày đó, tôi vẫn còn nhớ y nguyên…
Rất tự nhiên, tấm lòng Trí Đức chúng tôi đã hướng về, dõi theo, thầm mong an yên cho Miền Trung từ lúc nào, chúng tôi cũng không biết nữa. Tất cả yêu thương đã kết tinh thành hành động, thầy và trò Trí Đức đồng lòng quyên góp, ủng hộ Miền Trung. Sợi tơ yêu thương tuy vô hình nhưng có sức mạnh to lớn, đã kết nối chặt chẽ chúng tôi với các bậc phụ huynh. Bố mẹ ủng hộ chúng tôi, ủng hộ Nhà trường, cùng chung tay thắp sáng ngọn đuốc tình người. Không phải là cả nước, mà chỉ Trí Đức thôi, đã đủ rung động ấm áp yêu thương hướng về đồng bào vùng bão lũ.
Hàng tuần trời, khi Miền Trung ngập tràn trong nước, khắc khoải lo âu, cũng những ngày ấy, Trí Đức lan tỏa yêu thương , dồn hướng tấm lòng về phía Miền Trung. Những cuốn vở, những bộ quần áo, sách bút chứa đầy san sẻ chung chia. Hết thảy mọi đồ dùng vật dụng chuẩn bị cho chuyến đi Miền Trung được thầy trò chuẩn bị, gói ghém cẩn thận cùng nỗi niềm đau đáu mong mỏi an yên về lại nơi khúc ruột Việt Nam.
Chuyến xe chở yêu thương sẵn sàng lên đường. Trước giờ xuất phát, Người Thầy – Người Cha kính yêu của Đại gia đình Trí Đức rưng rưng dặn dò, nhắc nhở chúng tôi. Có lẽ, Thầy không muốn chứng kiến những chuyến đi như thế này, dù đi để trao yêu thương, đi để đùm bọc lấy nhau là nghĩa cử cao đẹp. Nhưng giá mà… không có những người nghèo khổ, không có những bất trắc thương tâm, không có những nghịch cảnh đau lòng…, khi ấy, sẽ những chuyến xe đem niềm vui lan tỏa mọi miền, thay cho những trĩu nặng yêu thương xen lẫn xót xa như chuyến đi thế này.
Qua chặng đường dài hơn 500 km Hà Nội – Quảng Bình, di chuyển hơn 12 tiếng đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đã đặt chân đến Miền Trung. Sau bão lũ, mưa đã tạnh, nắng đã trở lại nhưng Quảng Bình vẫn còn hằn in đầy dấu tích trận đại hồng thủy. Những đổ vỡ, tan hoang đây đó vẫn ngổn ngang, có những nơi xơ xác, chẳng còn gì lành lặn, nguyên vẹn, nhói lên sự thảm hại qua vẻ bề ngoài tưởng đã bình yên. Tôi cảm nhận rõ cái yên ắng sâu thẳm, cuộc sống chùng hẳn xuống, lắng lại như thể cả Miền Trung cố kìm nén tiếng thở dài. Họ không muốn cả nước cứ mãi lo âu, nặng lòng về mình. Họ lặng thầm gắng gượng, nhẫn nại.
Người Quảng Bình hiếu khách, tiếp xúc với người dân đôn hậu hiền lành nơi đây, chúng tôi có cái se lòng thương cảm, khi mọi người, ai nấy đều né tránh nói về, nhắc lại cơn nguy biến đã qua. Họ nói nhiều hơn về sự ấm áp khi được đón nhận những sẻ chia của cả nước, họ nói về cái an yên hôm nay và niềm vui đón đợi những ngày mai. Chúng tôi mang chuyến xe gửi gắm yêu thương đến Quảng Bình, cũng không phụ tình phụ công chúng tôi, họ cho chúng tôi thấy, cái nắm tay của chúng tôi chuyền thêm sức mạnh để họ vươn lên mạnh mẽ hơn.
Người Miền Trung kiên cường quá. Có những gia đình mất sạch trơn, công sức tích góp làm lụng cả đời để có chút của ăn của để trong nhà. Vậy mà, trong chớp mắt, tất cả đã theo dòng nước lũ mà trôi đi. Bắt đầu lại với con số 0, ấy vậy, họ luôn che giấu nỗi thương tâm trĩu nặng, cố bình thản như chưa từng có gì xảy ra. Có phải vì quen với bão lũ, gian truân năm nào cũng đổ ụp xuống đời mình mà người Miền Trung tự hun đúc phẩm chất kiên cường?! Đứng trước Quảng Bình sau bão, chúng tôi bất chợt nhận ra những yếu đuối, lười biếng và cái vô vị nhật nhẽo, ham nhận hưởng của mình trong cuộc sống an vui chốn phồn hoa đô hội. Tôi giật mình vì những yêu thương bấy lâu nay của tôi chỉ ở tầm nhạt nhẽo vu vơ….
Những đoạn đường lầy lội sau bão lũ…
Sách thư viện trường học bị ngập ướt phải đem phơi
Đoàn Trí Đức chúng tôi đến Quảng Bình vào ngày Chủ nhật (08/11). Điểm đến ủng hộ là xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh. Cụ thể là trường Tiểu học Xuân Ninh, trường THCS Xuân Ninh và bà con khó khăn xã Xuân Ninh.
Đó là một ngày đặc biệt với chúng tôi, với hai ngôi trường cách chúng tôi hơn 500 cây số. Không biết có phải vì để chào đón chúng tôi hay vì phải nghỉ bão lâu mà việc đến trường trở lại thành niềm háo hức. Chứ chúng tôi thấy ngạc nhiên lắm. Bởi đó là ngày chủ nhật mà cả trường không thiếu vắng một thầy cô hay học sinh nào. Cô không dạy, trò cũng không học, tất cả hoạt động ngoài trời, sân trường dù đã được quét rửa sạch nhưng vẫn còn loang lổ vết bùn đất sau những gày ngập lụt. Lúc chúng tôi đến, cả trường tề tựu đón chúng tôi. Cảm giác thân quen gần gũi như thể chúng tôi về lại ngôi trường xưa của chính mình từng học hồi cấp 1, cấp 2. Chúng tôi cùng chuyện trò, lắng nghe nhau với những câu chuyện, lời hỏi han ấm tình nhân ái. Trao đi yêu thương, chúng tôi còn lại rất nhiều chứ chẳng phải chỉ một vài tấm hình lưu niệm.
Trí Đức trao quà ủng hộ cho học sinh và giáo viên
trường Tiểu học Xuân Ninh
Trí Đức trao quà ủng hộ cho học sinh và giáo viên
trường THCS Xuân Ninh
Đến với bà con xã Xuân Ninh, tôi thật sự nhói lòng. Những mảnh ghép từ các câu thoại vội của tôi với các bà các bác, thật tâm rất ám ảnh về những nhọc nhằn của mảnh đất con người nơi rốn bão.
Ngày chúng tôi đến, nắng đã lên rạng rỡ, ấm áp hơn. Nhưng ánh nắng cũng soi rõ những khắc khổ lam lũ hằn sâu trên vóc dáng, gương mặt người dân giấu kín sau chiếc nón nghiêng che. Bà con đến nhận quà, chân quần ống thấp ống cao, người đi dép, người chân không, có người áo không đúng cỡ, thùng thình, lỗi cách (tôi nghĩ rằng, đó cũng là quần áo họ nhận được từ sự sẻ chia, tạm thôi, chấp nhận). Và tất cả mọi người, ai nấy tay giữ chặt tấm phiếu nhỏ ghi tên mình. Họ trật tự, xếp hàng ngay ngắn, chờ đợi với lòng vừa nhẫn nại vừa biết ơn. Họ chờ tên mình được gọi. Nhìn cảnh bà con xếp hàng, tôi ứa nước mắt vì cảm thấy xót xa, tội nghiệp. Không biết tự bao giờ, những người dân lao động vốn tự do, tự tại giữa ruộng đồng bờ bãi mà giờ phải thu mình lại, lặng im. Những con người Miền Trung kiên cường, chỉ vì những nghịch cảnh thiên tai, trong hồi khánh kiệt, họ bất đắc dĩ chấp nhận sự cho không, nhận không. Dù là các bà, các mẹ chân yếu mắt mờ nhưng sâu thẳm nơi ánh mắt vẫn nhói lên nỗi tủi hờn tình cảnh….
Các bà các mẹ, các cô bác thân yêu, tất cả đều thấu hiểu, Miền Trung không muốn như vậy, cả nước không ai muốn những bất trắc xảy ra. Trí Đức hay bất cứ ai đến Miền Trung cũng là bởi nghĩa tình, chúng ta cần lắm tấm lòng san sẻ yêu thương….
Một trong số những người dân vùng bão lũ Xuân Ninh hôm đó, tôi nhớ như in gương mặt cụ. Xót lòng khi nghĩ đến quãng đường khá dài cụ đi bộ đến Ủy ban xã nhận quà. Và ám ảnh khi cụ cứ loay hoay tìm kiến tấm phiếu không nhớ mình đã cất ở đâu, hay đã bị rơi. Chúng tôi động viên cụ, Trí Đức không yêu cầu cụ trình phiếu đâu, cụ vẫn có phần quà, nhưng cụ vẫn không chấp nhận tự cho mình nhận cơ hội đó, loay hoay đi lại, lục tìm mãi. Chụp ảnh kỷ niệm với chúng tôi trong nụ cười tươi rạng, cụ vẫn không ngừng “may quá, bà thấy phiếu rồi”.
Và một ám ảnh nặng lòng trong chuyến đi. Về cô. Cô là một cô giáo. Giống như bao người dân miền Trung nắng gió, cuộc sống kinh tế vốn nhiều bó buộc, nguồn sống tinh thần – con trai cô, cũng không trọn vẹn, không được may mắn như bao người khác. Cô thiệt thòi, chịu đựng nhiều hơn. Mỗi ngày, cô quên đi nỗi niềm riêng để gieo hạt mơ ước cho các em học sinh trường THCS Xuân Ninh, tô điểm những vẻ đẹp cho đời. Đoàn chúng tôi đến thăm cô, mang lời khích lệ của Trí Đức đến với ột cô giáo miền Trung. Mong cô luôn đủ sức khỏe, cố an nhiên để vui hơn với cuộc sống.
Chúng tôi thăm hỏi gia đình cô giáo trường Xuân Ninh
Người ta bảo, của cho không bằng cách cho. Tôi thấy điều đó đúng quá sau những trải nghiệm của chuyến đi thiện nguyện lần này. Sự chân tình, lòng yêu thương sẻ chia thổn thức từ tim của Trí Đức chạm vào con tim khúc ruột Miền Trung. Những hiện vật và tền mặt chúng tôi chia sẻ cùng các em học sinh và bà con sao thấm được những gì họ bị mất bởi thiên tai, cũng chẳng đủ để thay đổi cục diện cuộc đời họ sau cơn nguy biến suy kiệt. Nhưng tôi nhận thấy rõ cái ấm áp Trí Đức đã thắp lên nơi họ, khơi dậy niềm vui, tình thương, làm thành viên gạch nền cho bước đệm vững để họ lại tếp tục kiên cường vươn lên giữa ngổn ngang khó khăn chồng chất. Tôi xin trích lời của cô giáo trường Xuân Ninh nói với Trí Đức chúng tôi, cũng là cách tôi muốn nói, giữa Trí Đức và Miền Trung là lời đồng vọng. Tấm lòng yêu thương xóa hết khoảng cách con người giữa cuộc đời. Đó là điều đáng trân quý nhất.
“Cảm động và không thể nói bên lời chị ạ, vì chúng mình là những người chưa hề quen biết mà không quản ngại đường sá xa xôi vượt hàng trăm cây số để đến động viên về tinh thần lẫn vật chất cho bà con cũng như đồng nghiệp tại Quảng Bình. Chỉ thốt lên rằng tuyệt vời và khâm phục tấm lòng của trường Trí Đức”.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng….”, giữa dòng đời hối hả, xin hãy dừng lại trong thoáng chốc, lắng lòng mình trong câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca từ hay đời thực cũng nên dành cho nhau tấm lòng nhân ái giàu yêu thương. Khi biết chia sẽ, thấu hiểu và sẵn sàng giúp đỡ người khác với tinh thần thiện nguyện, ta có thể tiếp thêm nguồn vui, sức mạnh cho những mảnh đời bất hạnh và nhiều hơn à đem lại sự an yên trong đáy tâm hồn ta. Tấm lòng trắc ẩn ấy cũng thật vô tư, trong sáng, vượt lên trên những toan tính đời thường, nhẹ nhàng như những làn gió cuốn đi, thật cao, thật xa, làm tươi mát thêm cho cuộc đời. Hãy mở lòng để trao đi và nhận lại những nụ cười cuộc sống…