Kính thưa các quý vị đại biểu! Kính thưa các thầy cô trong BGH nhà trường! Kính thưa các thầy giáo cô giáo! Kính thưa các cô bác cán bộ NV nhà trường! Thưa toàn thể các bạn học sinh Trường THPT Trí Đức thân mến!
Không biết từ bao giờ loài người đã thừa nhận: Sự hiểu biết, đó là kho báu của cuộc sống, nó mang đến cho con người niềm vui và hạnh phúc.
Hơn thế nữa ngày nay tiêu chuẩn để đánh giá con người, đánh giá một dân tộc là khát vọng vươn tới sự hiểu biết và trình độ của sự hiểu biết đó. Bởi vì trí tuệ càng hiểu được nhiều điều bí ẩn thì của cải vật chất lại càng dồi dào, lòng người lại càng cảm thấy sung sướng và hạnh phúc. Bởi thế, khát vọng vươn lên phía trước để mở rộng sự hiểu biết, đó chính là mục đích của cuộc sống hiện đại.
Sự hiểu biết do đâu mà có?
Nó không tự xuất hiện, không do bẩm sinh, không dùng tiền mà mua được, không bằng con đường thừa kế mà có, càng không thể bằng cách vay mượn xin nhau được. Nó chỉ có thể có bằng cách phải khổ công học hành và rèn luyện. Đó là quá trình lao động gian khổ và phức tạp để đẩy lùi sự dốt nát của bản thân.
Nghĩa là muốn hiểu biết thì phải học. Điều đó đã trở thành chân lý của cuộc sống:
Nhân bất học, bất tri lý.
Học tập là cái gốc khơi nguồn văn minh để khám phá thiên nhiên, để biết lẽ đời hiểu đạo trời, làm theo lẽ phải, xây dựng tổ ấm gia đình và phát triển đất nước.
Có học mới có hiểu biết, học nhiều thì hiểu biết nhiều. Hiểu biết nhiều thành giỏi rồi thành nhân tài. Người như thế đem lại hạnh phúc và vinh dự cho cả gia đình và dòng họ, cho cả quê hương, thậm chí cho cả dân tộc. Nhân tài là tài sản, là nguyên khí của mỗi Quốc gia. Như trong đá có ngọc quý vậy. Một dân tộc, một quốc gia có càng nhiều người như vậy thì quốc gia đó càng văn minh, càng phát triển và càng giầu mạnh. Vì thế khi sinh thời Bác Hồ kính yêu đã dậy: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cương quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Đó là tình cảm thiêng liêng, là niềm hy vọng lớn lao, là phần thưởng vô giá đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang mà Người đã gửi gắm đến lớp lớp các thế hệ học sinh chúng em. Hơn lúc nào hết, giờ đây khi mà dân tộc, Đất nước đang đứng trước một vận hội mới cũng là một thách thức lớn: Một là phải nỗ lực học tập để vươn lên thoát khỏi bóng tối của sự dốt nát, của tội lỗi, thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu để sánh vai với bầu bạn năm châu. Hai là học hành cầm chừng lười nhác đến đâu thì đến, chấp nhận sự dốt nát, sự tụt hậu, chấp nhận kém cỏi để rồi cam chịu thân phận tôi đòi, cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu. Như thế đòi hỏi các thế hệ học sinh và toàn dân tộc Việt Nam ta phải lựa chọn, phải quyết định một trong hai con đường đó. Về phần mình, mỗi học sinh Trí Đức chúng em đều nhận thức được rằng: Chăm học chăm rèn luyện là thực có hiếu với cha mẹ, là thực yêu quê hương yêu tổ quốc. Học giỏi hạnh kiểm tốt là vốn quý nhất để phát triên bản thân và để xây dựng đất nước. Chúng em hiểu rằng sự đầu tư cho học tập là sự đầu tư cho tương lai, đó là sự đầu tư khôn ngoan nhất, hiệu quả nhất. Trách nhiệm của mỗi chúng em là phải học thế nào để xứng đáng với sự đầu tư đó mà Đất nước, gia đình và Nhà trường đã dành cho chúng em. Muốn thế ngoài sự chăm học còn phải biết cách học thông minh sáng tạo, phải học thật, thi thật, điểm thật, kiến thức thật đồng thời cũng phải biết ước mơ và biết cách thực hiện ước mơ.
Sự học là quan trọng như vậy. Song muốn học phải có thầy dậy, không thầy đố mày làm nên.
Vâng! Đúng như vậy! Chính các thầy các cô là những người giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp chúng em học tập để chiếm lĩnh kiến thức. Bởi thế mới có câu: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư – Dạy một chữ cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy. Trong khi các thầy cô đã dạy cho chúng em hàng kho chữ, hàng kho kiến thức.Vì lẽ đó, hôm nay ngày tết của các thầy cô, tập thể học sinh Trí Đức chúng em muốn được tự mình cùng nhau đứng ra tổ chức ngày vui của các thầy các cô và sẽ dành phần chính để nói về những người thầy của mình, về công lao của các thầy, các cô, về cái đáng quý đáng yêu đồng thời cả những khó khăn vất vả trong công việc của các thầy, cô.
Kính thưa các quý vị đại biểu! Kính thưa các thầy, cô! Sự học tập của chúng em càng quan trọng bao nhiêu thì công việc giáo dục của các thầy cô càng ý nghĩa bấy nhiêu.
Chẳng biết có chính xác không nhưng chúng em nhận thức rằng: Lịch sử phát triển của xã hội loài người gần như gắn liền với lịch sử phát triển của sự nghiệp giáo dục và cũng là lịch sử phát triển về ngành nghề của các thầy, cô. Kho tàng tri thức của loài người ngày nay cùng với tất thảy các nền văn minh đồ sộ kia của nhân loại đều có phần công đầu rất quan trọng của lớp lớp các thế hệ những người làm công tác giáo dục trên khắp thế giới.
Nghề của các thầy, các cô gắn liền với những nền văn minh nhân loại, gắn liền với sự cao quý của mỗi dân tộc, của mỗi quốc gia. Có thể coi giáo dục như một quá trình sản xuất thì các thầy cô vừa là những kỹ sư thiết kế vừa là người thợ thi công trực tiếp sản xuất mà sản phẩm ở đây là trí tuệ, tài năng và đức hạnh cùng với những khả năng hoạt động của mỗi chúng em.
Rồi từ đó chúng em sẽ là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Đất nước. Như vậy các thầy cô đang nắm trong tay rất nhiều cuộc đời, đang nắm trong tay tương lai của mỗi chúng em. Điều đó cũng có nghĩa là các thầy cô đang nắm trong tay một phần lớn tương lai của Đất nước.
Có gì vui hơn và hạnh phúc hơn là vun đắp nuôi trồng tương lai cho các thế hệ trẻ. Người ta nói: Kẻ đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất là kẻ hạnh phúc nhất. Thế thì thế gian này không ai hạnh phúc hơn các thầy cô. Lại có câu: Cho ai là mình được, thì cũng không ai “được” nhiều như các thầy cô vì các thầy cô là những người cho nhiều nhất. Và muốn cho nhiều nhất thì các thầy cô phải là những người giầu nhất. Các thầy cô là những người giầu tình yêu nhất và đã dành những tình yêu đó cho chúng em – Một tình yêu vừa bao la vừa nồng nàn, vừa chân thành vừa thâm thuý phát ra từ đáy lòng như tình yêu của cha mẹ dành cho các con. Bù lại các thầy các cô luôn nhận được tình yêu của chúng em, một tình yêu thuần khiết vô tư trong sáng, chân thật và trẻ trung mà ở người lớn không thể có được. Đồng thời các thầy cô cũng luôn nhận được sự quý trọng của cha mẹ chúng em cũng như toàn thể nhân dân. Như vậy các thầy các cô sẽ được hưởng hạnh phúc là : luôn có nhiều bạn nhất và luôn dồi dào tình cảm nhất.
Có gì quan trọng hơn và vinh quang hơn là những người trực tiếp tham gia gây dựng tương lai cho dân tộc, cho sự phồn vinh của Đất nước.
Công việc của các thầy, các cô không ồn ã sôi động mà êm ả, lắng sâu. Những thành tựu mà các thầy cô đạt được tuy không oanh liệt nhưng thật vĩ đại. Tuy không có gì đột xuất nhưng rất vẻ vang, không có tượng đồng bia đá nhưng rất anh hùng và chính các thầy các cô là những người anh hùng vô danh.
Vì yêu thương chúng em hết mực và vì coi trọng đạo lý làm người muốn nhấn mạnh ở mỗi chúng em mục đích cuối cùng của việc học là để thành nhân, để làm người. Do đó các thầy đã phải rây ngôn từ để chắt lọc lấy hai từ Trí – Đức đặt tên cho trường, đã sàng lọc kỹ trong trí tuệ, trong tự nhiên để chọn hình ảnh búp sen hồng đưa vào phù hiệu trên vai áo chúng em. Các thầy muốn mượn cái đức tuyệt vời trời cho của Sen để nhắc chúng em luôn làm chủ bản thân, tự tu thân, rèn luyện mình, phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực. Hãy học tập tốt nhất để thành đạt và đem sự thành đạt đó giúp ích cho đời. Hãy giữ cho thân thể luôn khỏe mạnh và đẹp đẽ, giữ cho tâm hồn luôn trong sáng, trinh trắng cao khiết và thanh nhã dù trong hoàn cảnh nào cũng không để cho thói hư tật xấu chi phối lây nhiễm như bông sen hồng mọc từ bùn nước vút thẳng lên đã như bàn tay Tiên búp măng tuyệt đẹp, trinh trắng ngát hương, cung cấp dinh dưỡng và nhiều vị thuốc quý cho người.
Về phần mình các thầy các cô luôn là tấm gương sáng cho chúng em noi theo, là chỗ dựa về tinh thần tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho chúng em vững vàng tự tin tiến lên phía trước: Em như con thuyền nhỏ, thầy là ánh nắng mai, thầy cho em sức gió, dong buồm vào tương lai. Những nghị lực cùng sức sống, sức sáng tạo và những tình cảm nồng hậu mà các thầy cô đã truyền cho chúng em sẽ còn giúp chúng em mãi mãi- ánh mắt thầy trong suốt, theo em vạn nẻo đường.
Quả thật các thầy các cô không phải chỉ là người thắp sáng trí tuệ mà còn là người thắp lửa trái tim cho chúng em.
Công việc của các thầy cô không giống bất cứ một lĩnh vực hoạt động nào của xã hội. Bên ngoài thật bình thản, điềm đạm, thư thái, nhưng trong nội tâm các thầy cô là cả một chiến trường nóng bỏng những khát vọng chiến thắng. Có điều ở đó không có tiếng súng và cuộc chiến thì không bao giờ kết thúc. Các thầy phải chiến thắng với cái yếu kém, cái ngu dốt của mỗi chúng em, phải co kéo giành dật giữ lấy chúng em không để tệ nạn xã hội cướp mất. Lại phải thiết kế, thi công xây dựng trong tâm hồn mỗi chúng em những công trình của phẩm giá và đức hạnh, rồi lại rèn cho chúng em những kỹ năng của cuộc sống vô cùng phong phú và đầy biến động. Tất cả đều trìu tượng, rất khó khăn và phức tạp bởi chính bản thân của công việc. Tính chất khó khăn và phức tạp còn nhân lên gấp bội bởi sự không đồng đều về tư duy và khả năng nhận thức của chúng em, bởi sự đa dạng trong tính cách, cá tính chúng em và nhất là khi những tinh hoa đạo đức của dân tộc đang ngày một mai một mà những thói hư tật xấu ngoài xã hội lại gia tăng.
Nếu người chiến sỹ ngoài mặt trận dùng mũi tên viên đạn để tiêu diệt kẻ thù và anh dũng hy sinh rồi được truy tặng danh hiệu anh hùng rồi được dựng bia tạc tượng. Trong khi các thầy đã tiêu diệt rất nhiều kẻ thù ngay khi mới là mầm mà không gây tổn thương đến chúng em và môi trường sống, lại cấy thay vào đó hạt giống hòa bình để chúng em phát triển thành người tốt cho xã hội. Nghĩa cử như vậy, công lao như vậy anh hùng nào bằng, tượng đồng bia đá nào sánh được.
Nếu người kiến trúc sư tài ba thiết kế một công trình xây dựng nguy nga, tráng lệ hay một nhà chế tạo máy giỏi thiết kế nên một cỗ máy tinh vi hiện đại được coi là những công trình sáng tạo và họ được thưởng bằng lao động sáng tạo thì cũng không thể so sánh với sự sáng tạo của các thầy cô bởi các thầy cô là người sáng tạo ra những con người sáng tạo.
Một truyền thống từ xa xưa rất đẹp rất quý của người thầy giáo, khác hẳn những người hoạt động ở lĩnh vực khác của xã hội là luôn trọng nghĩa, khinh tài. Nhiều thầy cô giáo trường ta đã tìm cách bớt giờ ở trung tâm luyện thi với thu nhập rất cao về tụ nghĩa ở mái trường Trí Đức cùng thầy Hà Trung Hưng để dạy cho chúng em với đồng lương còn khiêm tốn. Sự hy sinh đó, đức tính đó chỉ có thể có được xuất phát từ lòng yêu người, yêu trẻ của các thầy, các cô. Vì yêu người, yêu chúng em mà các thầy các cô càng yêu nghề và gắn bó với nghề. Tình yêu đó hết sức son sắt thủy chung, sự gắn bó ấy như keo sơn dẫu khó khăn gian nan vất vả đến đâu cũng không rời. Chúng em được biết có những thầy cô dạy học sinh yếu kém quá hoặc học sinh hư đã phải mất ăn mất ngủ phát khóc… Lại có những thầy cô cuộc sống khó khăn, bữa sáng lo bữa tối, mỗi lần đi chợ như bị mất cắp vẫn bám lớp, bám trò, vẫn dành cho trò những tình cảm tốt đẹp nhất…
Ai đó đã ví rằng người thầy giáo như người nông dân, còn học sinh như là cây lúa. Chúng em lớn lên, trổ bông kết hạt bằng những tinh hoa kiến thức của thầy cô nuôi nấng, chúng em trưởng thành bằng những giọt mồ hôi đôi khi cả nước mắt của thầy, cô. Và có ai đó đã so sánh thầy, cô với người lái đò cần mẫn, kiên nhẫn và vững chãi với những con thuyền ước mơ. Những hình ảnh đó thật đẹp. Nhưng với chúng em, người thầy trong trái tim học sinh Trí Đức chỉ đơn giản là bóng hình cặm cụi bên trang giáo án, là mái tóc điểm bạc nhuốm màu phấn bụi, là đôi vai vững chắc của những trải nghiệm cuộc đời, là người sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ như mẹ cha khi chúng em xa gia đình…Người thầy trong lòng chúng em không trữ tình, không lãng mạn như thơ ca, chỉ đơn giản thôi nhưng lại không gì có thể thay thế được. Cho chúng em xin một lần gọi thầy là cha và gọi cô là mẹ! Cha mẹ – dù không sinh ra con trên cõi đời này, dù không khẳng định sự tồn tại của con bằng hình hài vật chất…nhưng lại sinh ra con lần thứ hai, để con được sống là một con người thực sự, mang đến cho con những nghĩ suy, nhận thức, tình cảm, tâm hồn…và những bài học đầu tiên của cuộc sống. Cảm ơn cha mẹ đã nuôi nấng con nên người, dạy con những ước mơ hoài bão được sống và cống hiến có ích cho cộng đồng. Cảm ơn cha mẹ đã luôn mở lòng và lắng nghe những tâm sự của chúng con. Những lời ngỏ của những trái tim đang lớn: ngốc nghếch và khờ dại. Cảm ơn những thứ tha và bao dung, mở lòng mà cha mẹ dành cho chúng con. Những dịu dàng, cần mẫn đầy nhẫn nại để nâng đỡ chúng con đứng dậy bước tiếp trên con đường tới ngưỡng cửa của sự trưởng thành. Cảm ơn cha mẹ vì đã bước vào cuộc đời chúng con đúng lúc như thế. Không phải những con chữ đầu tiên, những phép tính đầu tiên mà là những bài học đầu tiên đầy quan trọng và thiêng liêng của cuộc đời – chúng con cảm ơn Người.
Mặc dù khó khăn như vậy, vất vả như vậy nhưng các thầy, các cô vẫn khẳng định: Nếu được sống lại một kiếp khác vẫn chọn nghề này. Các thầy các cô luôn có cảm giác làm việc như thế vẫn chưa đủ, vẫn thấy thiếu thì giờ, muốn ngày dài thêm, đời dài thêm – để được làm việc nhiều hơn để dành cho chúng em nhiều hơn. Đặc biệt nổi bật là thầy Hiệu trưởng Hà Trung Hưng, Thầy không có cả thì giờ để ốm mà nghỉ ngơi, làm cho sợi tóc trên đầu thầy cũng cảm thông điều đó – Đi trên đường phố tóc trần, sợi toan muốn bạc tần ngần lại thôi.
Tình cảm cùng những đức tính của các thầy các cô và ý nghĩa việc làm của các thầy cô đã cảm hóa được hầu hết mọi người trong các tầng lớp xã hội. Có cụ già 80 tuổi từng bôn ba khắp chân trời góc bể nhân ngày nhà giáo Việt Nam trở về thăm trường cũ, thăm thầy cũ cụ đã thốt lên: Thế gian đẹp nhất nghề thầy, mà tôi yêu tự những ngày bé thơ. Vì thế trong lịch sử dân tộc ta đã ghi nhận rất nhiều trường hợp Tiến vi quan, đạt vi sư như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến v.v… Học hành đỗ đạt cao chỉ làm quan một thời gian rồi bỏ về làm nghề dạy học, sống cuộc đời thanh bạch với tuổi thơ, vun trồng tương lai cho Đất nước. Nghề của các thầy, các cô đẹp quá, cao quý quá. Phải nói rằng: Dưới ánh sáng mặt trời, nghề đẹp nhất, cao quý nhất là nghề Sư phạm.
Kính thưa các quý vị đại biểu! Kính thưa các thầy, các cô! Kính thưa cô bác cán bộ CNV nhà trường!
Chúng em, những học sinh đã đi gần hết chặng đường của tuổi ấu thơ, tuổi học trò thần tiên mộng mơ. Trong số chúng em ở đây, nhiều bạn đã học qua nhiều mái trường trên khắp mọi miền Tổ Quốc, đã được nhiều thầy, cô giáo tận tâm giúp đỡ. Song chưa ở đâu và bao giờ chúng em có được ấn tượng sâu sắc và đẹp đẽ như ở mái trường Trí Đức thân yêu này, bởi lẽ chưa ở đâu chúng em được sống và học tập trong một môi trường tốt đẹp như ở đây, chưa ở đâu chúng em được thấy những tinh hoa của người thầy giáo, những tinh hoa của nghề Sư phạm lại hiện diện rõ nét, đậm đà hương sắc như ở đây. Nơi đây là một môi trường giáo dục lý tưởng. Từ không gian yên tĩnh trong lành đến tất cả những gì mà Nhà trường và các thầy đã tạo nên thật khoa học, kỹ lưỡng, chu tất và đồng bộ. Tất cả đều thống nhất, đều hướng vào mục đích giáo dục chúng em theo những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp. Tất cả đều gợi lên cho chúng em những lý tưởng, ước mơ và những khát vọng vươn tới tương lai. Tất cả đều định hướng và nhắc nhở để giúp chúng em biết hành động đúng, biết sống đẹp. Ở đó chúng em được bảo vệ an toàn tuyệt đối trước mọi nguy cơ của các tệ nạn xã hội, được bảo vệ về thân thể và danh dự đồng thời các quyền cơ bản của chúng em đều được tôn trọng. Ở đó chúng em được sống và học tập trong tình yêu thương của các thầy cô, trong tình cảm chan hòa của bạn bè, trong không khí cởi mở thân thiện của mọi người giúp chúng em xóa đi mọi sự xa cách trong các mối quan hệ. Ở đó không hề có sự thành kiến, trù úm, hay thiên vị.
Bên cạnh đó một sức hấp dẫn mãnh liệt cuốn hút chúng em đó là các thầy, các cô giảng dạy ở tất cả các bộ môn của trường ta. Bởi vấn đề cốt lõi của sự học là được học ai, thầy đó là người như thế nào và dạy thế nào. Luật thiên nhiên đã dạy: Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Trò nào thầy nấy, một thầy chân chính không có học trò bất hảo, và một học trò thông minh không tìm thấy bất lương. Chính đức độ cao đẹp của các thầy các cô cùng với trình độ chuyên môn uyên bác và nghệ thuật sư phạm đến mức tài hoa của các thầy các cô đã là hương thơm quyến rũ dẫn lối đưa đường cho chúng em tìm đến với các thầy các cô để rồi những cánh chim non như chúng em từ 41 tỉnh thành trên khắp mọi miền Đất nước đã vượt đèo cao, suối sâu, vượt đường xa sông cả hội tụ về đây làm con của cha Trí Đức, làm trò của các thầy, các cô. Đúng là: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Thầy, trò Trí Đức chúng ta thật là có duyên với nhau. Và thế là bố mẹ chúng em cũng phải chiều. Các thầy, cô có tin không? Trong số chúng em ở đây có nhiều bạn được bố mẹ coi như là “ một kho báu lớn “ của cả nhà, thậm chí có bạn là của cả họ, rất được cưng chiều. Bên đó lại có những bạn hoàn cảnh gia đình rất khó khăn thậm chí tới mức éo le. Và nhiều bạn tuy không phải giỏi giang, xuất sắc gì nhưng ở quê đủ điều kiện được tuyển vào học tại trường chuyên của Tỉnh, vừa gần nhà lại không phải đóng tiền học, thậm chí còn được hưởng một số quyền lợi của địa phương tài trợ. Thế nhưng chúng em đều nhiệt thành đến với các thầy, các cô. Chúng em chấp nhận mọi khó khăn vất vả, chấp nhận sự thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm gia đình và tự khép mình vào một kỷ luật chặt chẽ để đến tu luyện tại trường Trí Đức này. Điều đó cũng có nghĩa là chúng em đã gửi gắm tâm hồn trong trắng của tuổi học trò cùng với tương lai và hy vọng của mình vào các thầy, các cô, đã trao trọn niềm tin ở mái Trường này. Tất cả chỉ một điều đơn giản là: Chúng em cũng như bố mẹ chúng em muốn chúng em nên người có đức có tài, để làm người, để tự tạo dựng lấy cuộc sống cho chính chúng em. Mà trường Trí Đức là một môi trường hội đủ các yếu tố giúp chúng em thực thi hoài bão ấy.
Thật may mắn và hạnh phúc cho chúng em cũng như bố mẹ chúng em là đã tìm đúng địa chỉ, đã gửi chúng em vào đúng nơi tin cậy, đã trao chúng em đúng cho các thầy, các cô. Trong số chúng em ở đây, có người chưa qua một học kỳ, nhiều bạn thì đã dự đủ ba cái tết của các thầy, tất cả đều sung sướng không ai phải băn khoăn, hối tiếc vì đã mang tên học sinh Trí Đức.
Đặc biệt với 730 bạn học sinh nội trú là con của 13 dân tộc anh em ở 41 tỉnh thành từ Cần Thơ xa xôi đến đỉnh đầu Hà Giang về đây sống trong đại gia đình Ký túc xá Trí Đức lại càng cảm nhận điều đó rõ hơn. Chúng em không thể đủ vốn ngôn từ để nói về người Thầy, người cha đứng đầu, trụ cột của đại gia đình Ký túc xá của mình. Chúng em chỉ biết từ đáy lòng kính trọng, thán phục và tin yêu Thầy. Sau này dẫu trong hoàn cảnh nào, dẫu có đi đâu và làm gì thì chúng em cũng không bao giờ có thể quên được những hình ảnh 11, 12 giờ đêm đông giá rét thầy vẫn ngồi chờ chúng em báo cáo quân số và tình hình trong ngày để muốn chúng em duy trì nếp sinh hoạt tốt. Con gái, thầy hướng dẫn rèn luyện tính dịu hiền. Con trai, thầy dạy cho cách cư xử mạnh mẽ, bao dung. Nhiều lắm! Những việc thầy làm cho chúng em không kể hết. Trong tâm tưởng từ sâu thẳm, Thầy muốn truyền cho chúng em tình yêu cuộc sống, muốn làm lây lan sang chúng em lòng đam mê công việc và lòng say mê học tập, muốn tiêm nhiễm cho chúng em những khát vọng vươn tới, vươn lên phía trước và muốn chia sẻ đến mỗi chúng em những kinh nghiệm sống của mình. Bởi Thầy là người thấu hiểu cái logic: Gieo một tư tưởng gặt một hành động, gieo một hành động gặt một thói quen, gieo một thói quen gặt một tính cách, gieo một tính cách gặt một số phận. Thầy muốn số phận của tất cả chúng em đều tốt đẹp.
20 – 11, đã hơn 10 lần chúng con chứng kiến ngày này, đã lên cấp THPT rồi mà sao hôm nay vẫn như là lần đầu tiên chúng con cảm nhận thấy hơi ấm tình thầy trò lại sâu sắc và nồng đượm đến thế. Con chợt nhớ những giọt nước mắt nóng hổi từng lăn dài trên gò má gầy vì những lỗi lầm ngốc nghếch của chúng con, đôi bàn tay xương xương vẫn xoa đầu từng đứa học trò nhỏ, nhớ những dáng người lầm lũi nhưng mặt vẫn sáng ngời những tự hào và yêu thương…Và con chợt thấy lòng mình se lại, Thầy ạ!
Khi đặt bút viết những dòng này, con thấy hiện về trong tâm trí hình ảnh của các thầy, các cô với những tỉ mẩn đến từng nét viết trên bảng, là bóng dáng cặm cụi của các cô bác, các anh chị cán bộ nhân viên…và đặc biệt con nhớ hơn cả là dáng hình của người cha – người Thầy Hiệu trưởng chưa từng dạy chúng con một giờ nào trong sách giáo khoa nhưng lại dạy cho chúng con những bài học của cả cuộc đời. Chúng con cảm ơn Thầy nhiều lắm và cũng yêu Thầy thật nhiều…
Chúng em thật tự hào về ngôi trường Trí Đức của mình, tự hào về tất cả các thầy, các cô đồng thời chúng em cũng thật xúc động về tất cả những gì mà các thầy, các cô đã và đang làm cho chúng em. Công ơn đó của các thầy, các cô chúng em nguyện mang theo suốt cuộc đời như một hành trang không bao giờ thiếu được. Song dẫu nói gì đi nữa, việc trả ơn các thầy, các cô không gì bằng những việc làm cụ thể, bằng những kết quả cao trong học tập và tu dưỡng bản thân.
Và ngày hôm nay, một lần nữa trong không khí tươi vui và thiêng liêng này, tất cả các anh, chị, em học sinh Trí Đức chúng ta hãy dành một phút lắng lại để dồn hết tâm trí, tình cảm tốt đẹp nhất gửi lời tri ân tới các thầy, cô giáo – những người cha người mẹ thứ hai của chúng ta. Và một lần nữa, chúng con xin được dành trọn tình yêu và lòng biết ơn của mình tới các thầy, cô. Kính chúc các thầy cô, các Quý vị đại biểu luôn vui khỏe và hạnh phúc. Kính chúc trường THPT Trí Đức của chúng ta năm học này đạt được những thành tích rực rỡ hợn.
Về phần mình chúng em xin hứa sẽ phấn đấu để sống và học tập thật tốt xứng đáng với công sức và tình cảm của các thầy cô đã dành cho.
Em xin trân trọng cảm ơn!